Toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, ông Phùng Đình Ảnh, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa cho biết, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động từ ngày 31/7/2009, với mục đích ý nghĩa phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Sau 15 năm triển khai thực hiện, Cuộc vận động đã nhận được sự đồng tình hưởng ứng tích cực của các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân; doanh nghiệp từng bước cải tiến kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, người tiêu dùng đã dần tin tưởng vào chất lượng sản phẩm hàng Việt.

Tuy nhiên, một bộ phận người dân vẫn còn hoài nghi về chất lượng hàng Việt, do hàng giả, hàng độc hại, không an toàn cho sức khỏe lưu hành trên thị trường vẫn còn nhiều. Do đó, công tác tuyên truyền về Cuộc vận động cần đẩy mạnh, nhằm đề cao vai trò trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, từng bước đẩy lùi, ngăn chặn hàng giả, hàng lậu lưu thông trên thị trường, củng cố lòng tin của người tiêu dùng đối với hàng Việt.

Bên cạnh đó, thời gian qua, hoạt động bán hàng đa cấp bất chính vẫn còn diễn ra ở một số địa phương trong tỉnh, gây bức xúc trong nhân dân. Có thể nói, bán hàng đa cấp là một phương thức kinh doanh hiện đại, mang lại hiệu quả cao ở nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, khi triển khai tại Việt Nam, đây cũng là mô hình kinh doanh dễ bị lợi dụng, biến tướng bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, đánh vào lòng tham và sự thiếu hiểu biết để lôi kéo, dụ dỗ người dân tham gia vào các hoạt động đa cấp trái phép nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Thông qua chuỗi các hoạt động tuyên truyền tại các địa phương trên địa bàn tỉnh nhằm tạo sự thống nhất nhận thức, hành động trong Đảng và hệ thống chính trị, sự đồng thuận xã hội và sự chung sức của các tầng lớp nhân dân về đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Tại hội nghị, ông Đỗ Gia Vinh, Phó trưởng phòng Quản lý Thương mại, Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa cũng đã đưa ra những giải pháp cụ thể để phối hợp xử lý các hành vi kinh doanh theo phương thức đa cấp trái phép. Đồng thời, đưa ra những khuyến cáo đối với người dân cần phải cẩn trọng, cân nhắc kỹ lưỡng trước khi “xuống tiền” đầu tư vào bất kỳ một hình thức kinh doanh theo phương thức đa cấp nào.

Theo báo cáo viên Đỗ Thị Huyền, Phó Trưởng Phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa, doanh nghiệp bán hàng đa cấp bị cấm thực hiện những hành vi như: Yêu cầu người khác phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; yêu cầu người khác phải mua một số lượng hàng hóa nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc giới thiệu người khác tham gia vào hoạt động bán hàng đa cấp mà không phải từ việc mua, bán hàng hóa của người được giới thiệu đó;

Từ chối chi trả không có lý do chính đáng các khoản hoa hồng, tiền thưởng hay lợi ích kinh tế khác mà người tham gia bán hàng đa cấp có quyền hưởng; cung cấp thông tin gian dối về kế hoạch trả thưởng, về lợi ích của việc tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp; cung cấp thông tin gian dối, gây nhầm lẫn về tính năng, công dụng của hàng hóa hoặc hoạt động của doanh nghiệp thông qua báo cáo viên, đào tạo viên tại hội nghị, hội thảo, đào tạo hoặc thông qua tài liệu của doanh nghiệp…

Để ngăn chặn các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động kinh doanh đa cấp, chính quyền địa phương cần có biện pháp quản lý chặt chẽ đối với hoạt động kinh doanh đa cấp trên địa bàn xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức tiếp tay cho hoạt động kinh doanh đa cấp bất chính. Các cơ quan quản lý ở địa phương phối hợp hiệu quả với các ngành chức năng liên quan tăng cường các hoạt động giám sát, kiểm tra, xử lý vi phạm trên từng địa bàn, hạn chế tối đa môi trường hoạt động của các đối tượng kinh doanh đa cấp bất chính, trái phép.

Đồng thời, cần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật và nâng cao nhận thức cho người dân. Khi hiểu biết của người dân được nâng cao, các hoạt động lừa đảo sẽ không còn có cơ hội tồn tại, phát triển.

An Nhiên