THCL Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN ngày 29/6/2013 quy định việc quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường chính thức đi vào cuộc sống từ ngày 1/6/2014.

Để nắm bắt tình hình thực hiện thông tư này, lần đầu tiên, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TĐC) đã triển khai kế hoạch kiểm tra đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường toàn quốc năm 2015.

Xử lý vi phạm đối với nhiều cơ sở

Theo đó, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa (QLCL) - thuộc Tổng cục TĐC thành lập đoàn và tiến hành kiểm tra 54 cơ sở tại các tỉnh Hà Nội, Quảng Ninh, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bình Dương. 461 mẫu hàng hóa được kiểm tra. Trong đó, số mẫu hàng hóa không đạt về ghi nhãn là 176 (38,2%); đáng lưu ý, số mẫu có hồ sơ chất lượng chỉ là 235 (50,9%). Đoàn kiểm tra đã lấy 46 mẫu để thử nghiệm, kết quả, số mẫu không đạt qua thử nghiệm là 4 (8,7%)… Cục QLCL đã xử lý vi phạm đối với 28/54 cơ sở được kiểm tra, chuyển hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính đối với 7/28 cơ sở vi phạm với tổng giá trị xử phạt 572.168.400 đồng.

Bên cạnh đó, các chi cục TĐC đã tiến hành kiểm tra 1718 cơ sở kinh doanh tại 51 tỉnh, thành phố trên cả nước với 17.081 mẫu. Kết quả cho thấy, số mẫu không đạt về ghi nhãn là 5.007 (29,32%), số cân vi phạm chiếm 31% (gồm các hành vi như cân hết hạn kiểm định, cân chưa được kiểm định; chưa phù hợp phạm vi đo và cấp chính xác; cân không có niêm phong, kẹp chì…), 99% số mẫu đạt về khối lượng, 66,3% số mẫu có hồ sơ chất lượng… Các đoàn kiểm tra đã thực hiện xử lý vi phạm đối với 432 cơ sở với tổng số hàng hóa 4.013 chiếc, trong đó tạm dừng lưu thông 2.886 chiếc; 170 phương tiện đo bị xử lý. Đồng thời, chuyển hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính đối với 63/432 cơ sở với tổng số tiền xử phạt gần 200.000.000 đồng.

Nhìn chung, ở nhiều địa phương, đây là lần đầu triển khai công tác kiểm tra vàng trang sức, mỹ nghệ nên chủ yếu các đoàn kiểm tra dùng hình thức nhắc nhở, yêu cầu khắc phục để xử lý các vi phạm phát hiện trong quá trình kiểm tra.

Cần nghiêm túc chấp hành pháp luật

Theo Tổng cục TĐC, đây là đợt kiểm tra vàng, trang sức mỹ nghệ có quy mô lớn trên phạm vi toàn quốc, phần lớn có sự tham gia của liên ngành gồm các chi cục TĐC, thanh tra các sở khoa học công nghệ và chi cục quản lý thị trường các tỉnh, thành phố. Công tác kiểm tra được triển khai đồng bộ, thống nhất trên cả nước. Tổng cục TĐC đã có công văn hướng dẫn việc kiểm tra đo lường, chất lượng và nhãn hàng hóa vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường, kèm theo các mẫu báo cáo, phụ lục để có thể tổng hợp, khái quát được bức tranh chung, tổng quát về thị trường vàng trong nước nhằm đưa ra những giải pháp phát triển hơn nữa thị trường của mặt hàng này.

Qua báo cáo của các địa phương gửi về, nhìn chung việc kiểm tra chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ vẫn chủ yếu là kiểm tra về hồ sơ chất lượng và công bố tiêu chuẩn áp dụng của các cơ sở kinh doanh. Riêng việc thử nghiệm chất lượng của vàng trang sức, mỹ nghệ chỉ được thực hiện ở một số tỉnh, thành phố như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Quảng Trị.

Nhằm quản lý tốt hơn thị trường của mặt hàng này, đối với các cơ sở kinh doanh và hiệp hội kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ cần nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về đo lượng, chất lượng, ghi nhãn trong kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ; Không kinh doanh những loại vàng trang sức, mỹ nghệ không có nhãn, nhãn không đúng theo quy định, không đảm bảo chất lượng. Hiệp hội kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ tích cực phối hợp với cơ quan nhà nước trong việc tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn hội viên thực hiện đúng quy định của pháp luật về đo lường, chất lượng, nhãn hàng hóa vàng trang sức mỹ nghệ. Đối với các cơ quan quản lý, các chi cục TĐC cần tăng cường tập huấn, phổ biến và tuyên truyền những quy định của pháp luật trong kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát… Đối với tổ chức kiểm định phương tiện đo, thực hiện nghiêm túc Quy trình kiểm định ĐLVN 16:2009 “Cân phân tích, cân kỹ thuật - Quy trình kiểm định” và công văn số 1402/TĐC-HCHQ ngày 31/7/2014 của Tổng cục TĐC về việc hướng dẫn thực hiện Thông tư số 22/2013/TT-BKHCN”.

Đối với người tiêu dùng, không nên mua, sử dụng những loại vàng trang sức mỹ nghệ không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không ký hiệu của nhà sản xuất, không đảm bảo yêu cầu về đo lường chất lượng.

Hà Thu (Thương hiệu và Công luận)