Tại Hội nghị phát triển thị trường lúa, gạo tỉnh Thái Bình năm 2023, Trần Huy Quân - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Bình cho biết: “Thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành một số chương trình, đề án, kế hoạch phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu như: Đề án đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch thực hiện Quyết định 1163/QĐ- TTg ngày 13/07/2021 của Thủ tướng Chính Phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;

Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch thực hiện Đề án đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch 161/KH-UBND ngày 27/12/2022 của UBND tỉnh thực hiện Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030; Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021-2022... và một số chương trình, kế hoạch khác.” nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, lấy công nghiệp chế biến, chế tạo làm ngành chủ lực, xúc tiến kết nối tiêu thụ sản phẩm nông, thuỷ sản, công nghiệp tiêu biểu góp phần phát triển kinh tế của tỉnh.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Trong những năm qua, Sở Công Thương Thái Bình đã phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ, hợp tác chặt chẽ với các tổ chức xúc tiến của các tỉnh bạn, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan, triển khai các chương trình mở rộng cả kênh phân phối truyền thống và hiện đại, củng cố và đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường được tổ chức thường xuyên, liên tục như: Tham gia các hội chợ triển lãm tổng hợp và chuyên ngành trong nước và quốc tế, tổ chức các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, phát triển điểm bán hàng Việt, điểm bán sản phẩm OCOP, cải tạo nâng cấp chợ truyền thống, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử để quảng bá, kết nối, tiêu thụ sản phẩm qua kênh trực tuyến theo kế hoạch được UBND tỉnh ban hành hàng năm; tham gia một số Hội nghị kết nối giao thương, hội chợ triển lãm trực tuyến và trực tiếp, hội nghị, hội thảo về phát triển sản xuất tiêu thụ lúa gạo… góp phần thiết thực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phục hồi kinh tế sau đại dịch, trong đó có ngành hàng lúa gạo.

Theo chia sẻ của đại diện một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, việc tiêu thụ và phát triển thương hiệu lúa gạo của tỉnh Thái Bình trên thị trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn và chưa đúng với năng lực sản xuất của địa phương. Lý do hiện nay là người nông dân vẫn canh tác và bán hàng tự phát, sản phẩm không bao bì, nhãn mác hoặc đóng gói theo tên riêng của đơn vị, chất lượng sản phẩm chưa được giám sát, quản lý. Người tiêu dùng khó nhận biết sản phẩm, quảng bá sản phẩm đặc trưng cho vùng sản xuất bị hạn chế. 

Ông Trần Mạnh Báo - CEO ThaiBinh Seed nêu kiến: “Để có thể phát triển được thị trường lúa gạo Thái Bình, cần có sự đổi mới; cần thực hiện chuỗi các hoạt động từ sản xuất đến tiêu thụ và cần có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà nước và các doanh nghiệp, giữa các doanh nghiệp và các hộ sản xuất. Theo đó, đứng từ quan điểm của một doanh nghiệp, ông Trần Mạnh Báo cũng đề nghị phía UBND tỉnh tạo điều kiện, hỗ trợ các hợp tác xã, hộ nông dân tham gia vùng sản xuất nguyên liệu tập trung; mở rộng thị trường phân phối hiện đại, tích cực đưa sản phẩm nông sản Thái Bình kết nối bán hàng trực tuyến với các kênh bán hàng trong và ngoài nước; đẩy mạnh quảng bá thương hiệu gạo Thái Bình tăng cường kết nối giao thương, hướng đến xuất khẩu.”

Ông Trần Mạnh Báo nhấn mạnh, để gạo Thái Bình được đi xa hơn, mạnh hơn việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm gạo Thái Bình là vô cùng quan trọng. Với kinh nghiệm nhiều năm, ông cho rằng việc doanh nghiệp Thái Bình tạo ra giống lúa tốt, sản phẩm gạo tốt nhưng tới nay chưa xây dựng được thương hiệu gạo của Thái Bình là điều thiếu sót. Các doanh nghiệp phải cùng các cơ quan địa phương vào cuộc khẩn trương để triển khai, phát triển thương hiệu gạo riêng của Thái Bình mạnh hơn nữa.

Minh Anh (t/h)