Công nghệ thông tin thúc đẩy giáo dục mở
Theo thống kê từ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quảng Xương, hiện trên địa bàn huyện có tổng số 91 cơ sở giáo dục tại 26 xã, thị trấn. Trong đó, bậc học Mầm non có 30 trường mầm non công lập và 10 cơ sở giáo dục mầm non tư thục độc lập; cấp Tiểu học có 28 trường; khối THCS có 27 trường; trường liên cấp TH&THCS có 01 trường; trung tâm GDNN-GDTX có 01 trung tâm; trường THPT có 04 trường.
Trong thời gian qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quảng Xương đã tham mưu cho UBND huyện Quảng Xương, Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa nhiều giải pháp chỉ đạo xây dựng cơ sở vật chất trường học hướng tới đạt chuẩn Quốc gia. Các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, chất lượng mũi nhọn; phát động phong trào thi đua dạy tốt, học tốt được đẩy mạnh, phong trào tự học, tự nâng cao trình độ của cán bộ, giáo viên trong toàn ngành; tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng trong việc đưa trẻ tới trường.
Đặc biệt, trong giai đoạn đổi mới căn bản và toàn diện Giáo dục & Đào tạo, công nghệ thông tin đã và đang là “trợ thủ đắc lực”, nắm bắt được xu thế đó, ngành giáo dục huyện Quảng Xương một mặt vừa tăng cường chỉ đạo công tác bồi dưỡng giáo viên, nâng cao chất lượng đội ngũ thông qua các chuyên đề đổi mới phương pháp dạy học; sinh hoạt cụm chuyên môn liên trường nhằm trao đổi các phương pháp dạy học, kỹ thuật dạy học mới, dạy đối chứng các chuyên đề; tập trung tìm giải pháp khắc phục những vấn đề khó, vướng mắc trong chuyên môn.
Mặt khác tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành giáo dục và công tác dạy, học, công tác quản lý trong các nhà trường.
Cũng theo thông tin từ Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Quảng Xương, hiện nay có 100% cán bộ, giáo viên từ bậc học mầm non đến trung học phổ thông ứng dụng tốt công nghệ thông tin vào việc giảng dạy và học tập. Ngành giáo dục cũng luôn khuyến khích giáo viên khai thác tốt các công cụ trình chiếu, soạn và trình bày bài giảng điện tử.
Là đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy đem lại hiệu quả giáo dục cao, Trường trung học cơ sở Nguyễn Du luôn chủ động áp dụng ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy và tạo được nhiều hiệu quả thiết thực. Giáo viên của trường luôn chủ động chủ động với bài dạy, tài liệu sử dụng công nghệ thông tin, tham gia soạn bài giảng, thiết kế các hoạt động giáo dục bằng công nghệ thông tin, xây dựng lớp học thông minh qua dữ liệu ngành…
Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã thực sự đem đến nhiều ảnh hưởng tích cực cho sự phát triển của giáo dục huyện Quảng Xương.
Theo cô giáo Lê Thị Phương, Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Nguyễn Du cho biết: Một trong những hiệu quả thiết thực của việc ứng dụng công nghệ thông tin là nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập. Chất lượng học tập của học sinh tại ngôi trường này ngày càng được tăng lên rõ rệt.
Nếu nhìn vào giáo dục trước đây, có thể thấy chỉ dừng ở mức thụ động thông qua việc đọc chép từ giáo viên đến học sinh. Thì hiện nay, nhờ công nghệ thông tin mà các tiết học được sinh động hơn, không còn nhàm chán như trước.
Và để mang lại cho học sinh một tiết học như vậy, mỗi giáo viên lại phải nỗ lực rất nhiều trong việc chuẩn bị bài soạn so với phương pháp truyền thống, phải có trình độ chuyên môn vững vàng, phải có trình độ về công nghệ thông tin và khả năng ứng dụng nó vào việc soạn giáo án, thiết kế các bài lên lớp sao cho phong phú, sinh động, logic, sáng tạo, tận dụng được tối đa các trang thiết bị hiện đại mà nhà trường sẵn có.
Muốn làm tốt được việc này cần phải có một quá trình nghiên cứu, tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tích lũy kinh nghiệm và tâm huyết. Bởi vì nếu không nẵm vững chuyên môn nghiệp vụ và có những phương pháp dạy học hay, sáng tạo thì rất dễ dẫn đến việc lạm dụng dẫn tác dụng ngược tới quá trình dạy học của giáo viên và lĩnh hội tri thức của học sinh.
Không chỉ có Trường trung học cơ sở Nguyễn Du, những năm qua Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quảng Xương đã thực hiện việc chuyển đổi số, triển khai một số phần mềm đến tất cả các nhà trường trên địa bàn huyện. Hiện nay, hầu hết các trường đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học bước đầu tương đối có hiệu quả như: Phần mềm quản lý cán bộ công chức, viên chức, phần mềm Avina hỗ trợ giảng dạy và học tập, phần mềm kiểm định chất lượng giáo dục...
Như tại Trường trung học cơ sở Quảng Ninh, việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng mang lại nhiều tín hiệu tích cực, việc thực hiện chuyển đổi số, triển khai một số phần mềm phục vụ giảng dạy bước đầu có những hiệu quả. Theo thầy giáo Bùi Tuấn Việt, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Từ cách quản lý thông tin học sinh đến việc tổng hợp, báo cáo các hoạt động giáo dục với cơ quan quản lý một cách khoa học sẽ giúp chúng tôi nhàn hơn trong việc làm giấy tờ, sổ sách và có phương pháp giáo dục cụ thể, hiệu quả với từng học sinh.
Đặc biệt, việc này còn giúp phụ huynh biết thông tin, tình hình học tập, hoạt động của con tại trường, từ đó có sự phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong giáo dục con em mình”.
Được biết, đến nay có 100% các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện Quảng Xương đã kết nối internet cáp quang và các thiết bị để ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số phục vụ công tác quản lý, dạy và học như: Triển khai các ứng dụng hồ sơ điện tử gồm sổ điểm điện tử, học bạ điện tử; triển khai thanh toán các loại phí giáo dục không dùng tiền mặt; triển khai các ứng dụng để kết nối, tương tác, trao đổi thông tin giữa phụ huynh với nhà trường trên nền tảng số, áp dụng các giải pháp miễn phí như tin nhắn OTT, email, ứng dụng trên thiết bị di động và website giáo dục; triển khai hệ thống quản lý hành chính điện tử (e-office) liên thông trao đổi văn bản điện tử với tất cả các cơ sở giáo dục và cơ quan quản lý giáo dục; tổ chức họp, hội nghị, hội thảo, dự giờ và tổ chức sinh hoạt chuyên môn, đặc biệt đối với hình thức tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường...
Những thành tích đáng ghi nhận
Từ việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào toàn diện các hoạt động, chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện Quảng Xương đã đạt những kết quả đáng ghi nhận, trong năm học 2021- 2022 vừa qua, công tác phổ cập giáo dục tiếp tục duy trì và giữ vững kết quả đạt mức độ 3; về chất lượng giáo dục đạo đức học sinh luôn được chú trọng; về chất lượng giáo dục văn hoá có nhiều chuyển biến tích cực.
Đặc biệt, công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT có nhiều chuyển biến, phân luồng học sinh trên địa bàn đạt 11,3%, điểm bình quân 3 môn toàn huyện đạt khá cao được Sở Giáo dục và Đào tạo xếp tốp đầu của tỉnh. Kết quả thi Tốt nghiệp THPT toàn huyện đạt tỷ lệ 99,58% (cao hơn năm học trước 0,04%).
Về chất lượng giáo dục mũi nhọn, trong năm học này, ngành giáo dục huyện đã có nhiều lượt học sinh Mầm non, Tiểu học, THCS, THPT đạt kết quả trong các kỳ giao lưu, câu lạc bộ, hội thi cấp huyện với kết quả có 111 giải nhất; 412 giải nhì; 892 giải ba; 1359 giải khuyến khích.
Kết quả kỳ thi cấp tỉnh của học sinh giỏi lớp 9 xếp thứ 2 toàn tỉnh với tỷ lệ đạt giải 91,11 cao nhất tỉnh, trong đó 3 giải nhất, 23 giải nhì, 35 giải ba và 21 giải khuyến khích.
Với kỳ thi khoa học kĩ thuật cấp tỉnh năm học 2021- 2022 dành cho học sinh khối trung học, huyện Quảng Xương có 01 dự án của học sinh Trường THCS Quảng Nhân tham gia dự thi, kết quả đạt giải Nhì cấp tỉnh; với nội dung "máy xử lí rác thải hữu cơ".
Đối với TTGDTX-GDNN trong kỳ thi HSG cấp tỉnh đã đạt 3 giải trong đó có 1 giải nhì và 2 giải 3, xếp thứ 10/27 TT. Đối với các trường THPT trong huyện trong kỳ thi HSG cấp tỉnh có 206 học sinh dự thi 146 em đạt giải trong đó có 6 giải nhất, 40 giải nhì, 55 giải ba và 45 giải khuyến khích.
Nhiều đơn vị làm tốt công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu trong năm học như Trường THPT Quảng Xương I, THCS Nguyễn Du, Quảng Ngọc, Quảng Khê, Quảng Lưu, Quảng Trường, Nguyễn Bá Ngọc, Quảng Hải, Quảng Đức, Quảng Chính, Quảng Văn, Tân phong 1, Tân Phong 2; Tiểu học Tân Phong 3, Tiểu học Tân Phong 2...
Để có được những kết quả đáng khích lệ nói trên, bà Nguyễn Thị Thu, Trưởng phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Quảng Xương cho biết: Việc ứng dụng công nghệ thông tin được ngành giáo dục huyện Quảng Xương xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập và quản lý, góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục.
Về phương hướng trong thời gian tới, Trưởng Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Quảng Xương chia sẻ thêm: “Việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, hoạt động dạy và học là một trong những nhiệm vụ quan trọng được các nhà trường, cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện Quảng Xương chú trọng thực hiện trong tiến trình chuyển đổi số.
Qua đó nhằm phát huy tối đa những ưu việt của công nghệ số để đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý và chất lượng giáo dục, đào tạo. Trong năm học 2022- 2023, toàn ngành giáo dục huyện Quảng Xương sẽ tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng giáo viên chủ động tích hợp công nghệ thông tin vào từng môn học, tăng cường trao đổi chuyên môn, đổi mới nội dung, phương pháp dạy học …"
Lê Nam- Hoài Thu