Chiều 8/11/2018, ông Nguyễn Thế Tự, Phó phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) cho biết: “Những ngày qua, nông dân trong huyện đã thu hoạch được khoảng 3.600 ha/7.500 ha mía. Giá mía hiện nay được thương lái thu mua chỉ khoảng 500 - 650 đồng/kg (tùy giống và chữ đường), trong khi chi phí sản xuất là 715 đồng/kg. Tính bình quân, nông dân thu hoạch mía chạy lũ hiện nay bị lỗ khoảng 15 - 20 triệu đồng/ha”.

ĐBSCL: Nông dân lỗ nặng vẫn phải vất vả thu hoạch mía chạy lũ - Hình 1

Những diện tích được nhà máy bao tiêu, nông dân đang hối hả thu hoạch để tránh lũ (Ảnh: PV)

Cũng theo Phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, do năm nay nước lũ về sớm và dâng cao khiến hàng ngàn ha mía bị ngập sâu, kéo dài, làm ảnh hưởng chất lượng mía, thiệt hại nhiều. Mấy ngày gần đây, nước lũ đã rút nhiều và tình trạng bị ngập được cải thiện đáng kể. Hiện các ngành chức năng huyện Phụng Hiệp và các xã đẩy nhanh tiến độ thu hoạch mía trong dân từ 20 - 30 ha/ngày; phấn đấu đến cuối tháng 12/2018, sẽ dứt điểm toàn bộ 7.500 ha mía của niên vụ này.

Theo một số nông dân, hiện các nhà máy đường ở Hậu Giang ký hợp đồng cho nông dân với giá khoảng 700 - 800 đồng/kg. Với giá này thì nông dân không có lãi vì theo tính toán của họ, riêng chi phí thuê nhân công từ 160.000 - 180.000 đồng/tấn, cộng tiền giống, phân, thuốc trừ sâu..., chi phí đầu tư đã bằng, thậm chí còn cao hơn giá mua mía của nhà máy và thương lái đưa ra.

Thêm vào đó, ngành chức năng dự báo năm nay sẽ có lũ lớn và về sớm. Thực tế, mực nước trên địa bàn huyện Phụng Hiệp lúc này đang cao hơn thời điểm bình thường từ 15 - 20cm và đang có dấu hiệu tiếp tục lên, vì thế, vấn đề tiêu thụ mía tại các địa phương nằm trong vùng nguyên liệu càng cấp bách hơn.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, niên vụ mía 2018 - 2019 toàn tỉnh xuống giống được gần 10.600ha. Trong đó, huyện Phụng Hiệp chiếm 7.505ha. Nếu như mọi năm, lúc này diện tích mía đã được các nhà máy đường trong tỉnh ký kết hợp đồng bao tiêu. Nhưng năm nay, đến thời điểm này chỉ có gần 54% diện tích mía có hợp đồng bao tiêu. Chính điều này, đang đặt ra nhiều lo lắng cho ngành chức năng huyện và người dân.

Hiện chỉ có Công ty CP Mía đường Cần Thơ (Casuco) đã thực hiện ký kết hợp đồng bao tiêu mía với nông dân, nhưng cũng chỉ được gần 4.000ha/6.150ha được giao.

Còn tại huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng, niên vụ mía 2018 - 2019, toàn huyện xuống giống được 5.400ha, giảm khoảng 1.000ha so với niên vụ 2017 - 2018. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, qua rà soát của các địa phương trong huyện, số diện tích mía được các Công ty bao tiêu là rất ít.

“Nếu công ty ký hợp đồng trước với nông dân, nhưng sau đó công ty lại không vào vụ được do khó khăn về tài chính và thị trường tiêu thụ đường tiếp tục gặp bế tắc. Lúc này, công ty sẽ không thể thực hiện thu mua mía theo hợp đồng bao tiêu, nông dân sẽ càng khổ”, ông Nguyễn Văn Chính, Phó tổng giám đốc Losuco giải thích việc công ty chậm ký bao tiêu mía.

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Sóc Trăng thì, vụ ép vừa qua, công ty sản xuất 45.000 tấn đường, nhưng hiện nay còn tồn kho 10.000 tấn và khâu tiêu thụ cũng rất khó khăn. Công ty đang cố gắng giải quyết hết lượng đường tồn kho rồi mới tính tới chuyện ký hợp đồng mới với nông dân.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang cho biết thêm: Ngành nông nghiệp tỉnh đã làm việc với Hiệp hội Mía đường Việt Nam để có những giải pháp kêu gọi các nhà máy đường trong vùng hỗ trợ thu mua mía cho nông dân Hậu Giang, nhằm giúp bà con sớm tiêu thụ hết mía, hạn chế thiệt hại khi có tình huống lũ lớn xảy ra.

 

Hải Đăng