Toàn cảnh hội thảo
Quang cảnh hội thảo

Dự thảo Đề án, do Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa xây dựng với dung lượng 31 trang (chưa bao gồm phụ lục), kết cấu 4 phần, gồm: Sự cần thiết, căn cứ và phạm vi xây dựng đề án; thực trạng xây dựng và phát triển Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa giai đoạn 2017-2022; quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu phát triển Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tổ chức thực hiện.

Tại hội thảo, các ý kiến thảo luận đều cơ bản thống nhất với sự cần thiết phải ban hành Đề án. Dự thảo Đề án được đánh giá có bố cục, kết cấu rõ ràng, tương đối hợp lý, cân đối về nội dung giữa các phần; xác định rõ thực trạng xây dựng, phát triển trường Cao đẳng Nông nghiệp Nghiệp Thanh Hóa trong thời gian tới.

Tuy nhiên, tên mục, kết cấu, nội dung của dự thảo Đề án cần được nghiên cứu chỉnh sửa để sát với thực tiễn và thuận lợi khi triển khai thực hiện. Một số nội dung còn sơ sài, thiếu nhất quán, vẫn còn điểm mâu thuẫn với nhau.

Các ý kiến cho rằng cần làm rõ hơn các nội dung liên quan đến tên mục, kết cấu, bố cục, nội dung được trình bày trong từng phần của Đề án, trong đó nhấn mạnh các nội dung: Đánh giá quá trình phát triển của trường trước khi sáp nhập và sau khi sáp nhập thành Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa hiện nay; vị trí và vai trò của Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa trong công tác đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nông nghiệp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa; đánh giá thực trạng mô hình quản trị và quản lý nhà trường hiện nay để có cơ sở xây dựng phát triển giai đoạn tới.

Xác định rõ cơ cấu tổ chức bộ máy, số lượng người làm việc, cơ cấu đội ngũ nhà giáo, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong giáo dục nghề nghiệp cần đạt tại hai mốc thời gian năm 2023 và 2025. Xác định được mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để nhà trường làm căn cứ trình cấp có thẩm quyền thực hiện đầu tư phát triển nhà trường…

Các ý kiến tham gia, nhận xét, đánh giá của các thành viên Hội đồng phản biện là cơ sở, căn cứ để đơn vị xây dựng đề án chỉnh sửa, bổ sung bố cục, hoàn thiện nội dung đảm bảo tính khoa học, phù hợp với điều kiện thực tiễn trình UBND tỉnh phê duyệt.

An Nhiên