Địa phương có thể bổ sung các đối tượng khác
Hiện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đang xây dựng Thông tư hướng dẫn việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Trong đó, dự thảo Thông tư quy định về thủ tục, điều kiện nhận hỗ trợ của người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm do tác động của dịch Covid-19.
Về nhóm lao động không có giao kết hợp đồng, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung nhận định, việc xác định hỗ trợ đối với lao động tự do là vấn đề rất khó, bởi khó định lượng được các tiêu chí, công việc, nhưng đây lại là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất, tác động sâu nhất bởi đại dịch lần này. Do đó, khó mấy chúng ta vẫn phải làm. Phải tìm cách để làm sao làm nhanh nhất”.
Nhanh chóng đưa gói hỗ trợ đến người dân
Theo Dự thảo, NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm được hỗ trợ khi có đủ các điều kiện: Không có đất sản xuất nông nghiệp; mất việc làm và không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn mức chuẩn nghèo quốc gia; có hộ khẩu thường trú hoặc có đăng ký tạm trú từ ba tháng trở lên trước ngày 1-4-2020 tại địa phương đề nghị hỗ trợ.
Người làm các công việc sẽ nhận được hỗ trợ gồm: Người bán hàng rong; lao động thu gom rác; người làm nghề bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe mô-tô hai bánh chở khách, xe xích-lô; người bán lẻ vé số lưu động; NLĐ tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe.
Ngoài các đối tượng trên, căn cứ điều kiện và tình hình thực tế, các địa phương quyết định bổ sung các đối tượng khác và chi trả hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác. Mức hỗ trợ: 1.000.000 đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ theo tình hình ảnh hưởng thực tế của dịch Covid-19, cho tới khi NLĐ có việc làm, nhiều nhất không quá ba tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 4 đến tháng 6-2020. Phương thức chi trả là hỗ trợ hằng tháng.
Về hồ sơ và trình tự, thủ tục, Dự thảo quy định, hằng tháng NLĐ có đủ điều kiện quy định tại Điều 30 quyết định này có nhu cầu hỗ trợ, trực tiếp kê khai theo mẫu… ban hành kèm theo quyết định này gửi UBND cấp xã nơi cư trú hợp pháp (có tên trong sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú).
Trên cơ sở đề nghị của NLĐ, UBND cấp xã căn cứ quy định tại Điều 30 của quyết định này tổ chức rà soát, đánh giá và lập danh sách NLĐ bị mất việc làm đủ điều kiện hưởng hỗ trợ với sự tham gia của đại diện các tổ chức chính trị - xã hội, đại diện cộng đồng dân cư; niêm yết công khai trong năm ngày làm việc tại trụ sở UBND cấp xã nơi NLĐ cư trú; tổng hợp danh sách theo mẫu… kèm theo hồ sơ đề nghị của từng NLĐ gửi Phòng LĐ-TB&XH. Trong thời gian năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Phòng LĐ-TB&XH thẩm định, trình chủ tịch UBND cấp huyện quyết định.
Trường hợp NLĐ không được hỗ trợ thì chủ tịch UBND cấp huyện phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do. Căn cứ quyết định của UBND cấp huyện về danh sách NLĐ bị mất việc làm được hỗ trợ, UBND cấp xã phổ biến, công khai danh sách NLĐ được hỗ trợ và chi trả trực tiếp cho NLĐ…
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý, danh sách các đối tượng đủ điều kiện thụ hưởng do chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo rà soát, xem xét, phê chuẩn trên cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch trong từng tổ dân phố, thôn, xóm và niêm yết công khai ở cấp xã, phường. Đồng thời, quy rõ trách nhiệm của từng cấp nhất là chủ tịch UBND cấp xã phải chịu trách nhiệm ở địa bàn xã; ở công ty, doanh nghiệp người đứng đầu phải chịu trách nhiệm...
Nhanh chóng đưa gói hỗ trợ đến người dân
Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Bùi Sỹ Lợi, việc theo dõi, thống kê, tổng hợp và hỗ trợ cho đối tượng thuộc nhóm lao động tự do sẽ không dễ dàng như các nhóm lao động khác, vì đây là người lao động thuộc khu vực không có quan hệ lao động.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội
Chính vì vậy, trong lúc khó khăn này, chúng ta càng thấy rõ vai trò “bà đỡ” của Nhà nước là hết sức quan trọng nhằm bảo vệ sinh kế, đời sống cho người lao động nói chung và nhóm lao động tự do nói riêng. Trong đại dịch Covid-19, nếu không cứu được sinh kế của người dân thì chúng ta sẽ thất bại trong việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe cho nhân dân và ngược lại. Vì vậy, dù khó xác định cũng phải quyết tâm làm để bảo đảm an sinh xã hội cho toàn dân và đây là điều cần thiết phải làm lúc này.
"Trong gói an sinh xã hội này của chúng ta hỗ trợ là cho những người lao động bị giảm sút thu nhập nhưng thu nhập sâu, nghĩa là rất khó khăn. Cho nên thời điểm được hưởng càng sớm càng tốt. Cho đến giờ phút này tôi thấy rằng là các nội dung, các hướng dẫn về tiêu chuẩn, điều kiện chúng ta đã đầy đủ rồi. Vấn đề cuối cùng là quyết tâm thực hiện và quyết tâm này nó đặt lên vai chính quyền các địa phương, cơ sở rất quan trọng", ông Lợi nói.
Dự báo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, nhóm lao động tự do sẽ chiếm khoảng 5 triệu người gồm: Người bán hàng rong; Lao động thu gom rác; Người làm nghề bốc vác, vận chuyển hàng hóa; Lái xe mô-tô 2 bánh chở khách, xe xích-lô; Người bán lẻ vé số lưu động; Người lao động tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe. Và câu hỏi đặt ra là làm thế nào đề xác định được đúng đối tượng thụ hưởng, đảm bảo công bằng không bỏ sót nhưng cũng không để bị lợi dụng chính sách.
Về việc này, theo ông Bùi Sỹ Lợi, cách làm chúng ta phải đi từ thôn, ấp, phường, xã lập danh sách và phải liên thông các quận, phường với nhau để chúng ta tránh trùng lặp. Thứ hai là đối tượng này diễn ra rất khó ở chỗ này: Là lao động tự do, cái đầu tiên là xác định cái hộ khẩu tạm trú tạm vắng. Cái đó đã khó rồi, nhưng mà vấn đề quan trọng nữa là việc làm. Người thì có hợp đồng, người thì không có hợp đồng. Người có hợp đồng bằng văn bản thì đơn giản thôi, nhưng người không có hợp đồng hợp đồng và hợp đồng bằng miệng hoặc là hoàn toàn không có hợp đồng. Vậy thì đối tượng này phải tập trung để xác định như thế nào, thì vai trò của phường, quận là rất quan trọng.
"Hôm nay có thể tôi làm xe ôm, nhưng ngày mai tôi lại đi làm việc khác như bán phở hoặc là giúp việc gia đình, hoặc việc gì đó, thì điều đó rất là khó. Thế cho nên việc mà chúng ta xác định người lao động tự do này là phải trên cơ sở là anh thường trú tại địa bàn là đơn giản. Còn di cư tự do là anh phải có đăng ký tạm trú, tạm vắng", ông Lợi nói.
Hiện nay, nhiều người băn khoăn không biết mình có thuộc diện lao lao động tự do được thụ hưởng từ gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ hay không và họ cần phải khai báo với ai, cho cơ quan, tổ chức hay đơn vị nào.
"Vấn đề quan trọng là người ta hỏi phải báo cáo ai. Cái đó là cái quan trọng. Ai sẽ lập danh sách cho người ta, thì chính chính quyền địa phương xã đó phải lập danh sách và phải có sự xác nhận của trưởng thôn hoặc trưởng phố. Hôm qua tôi vừa mới giải thích cho một trường hợp là cắt tóc nơi khác đến cắt tóc tại Hà Nội.
Nhưng khi anh cắt tóc thì anh cũng không đăng ký hộ khẩu ở đây. Nhưng mà có một câu chuyện ở đây là anh này có nộp thuế môn bài để kinh doanh cắt tóc, thì anh có thể dùng thuế môn bài này báo cáo với phường để người ta lập danh sách thì anh mới được hỗ trợ của nhóm này. Quan trọng là như vậy", ông Bùi Sỹ Lợi nêu quan điểm.
Việc triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội ở thời điểm hiện nay được đánh giá là việc chưa có trong tiền lệ, với số kinh phí lớn, đối tượng nhiều và đa dạng. Vì vậy, quá trình triển khai chắc chắn sẽ phức tạp, dễ nảy sinh tiêu cực và trục lợi chính sách.
Ông Bùi Sỹ Lợi cho biết, Ủy ban các vấn đề xã hội sẽ giám sát vấn đề này:
"Khi mà Chính phủ trình Nghị quyết, báo cáo trước Ủy ban thường vụ Quốc hội, thì Ủy ban chúng tôi cũng đã có Báo cáo thẩm tra cùng với Ủy ban thường vụ Quốc hội để mà thể hiện đồng tình đối với quan điểm chủ trương của Chính phủ và hiện nay thì chúng tôi đã yêu cầu các thành viên Ủy ban ở các địa phương theo dõi, nắm tình hình, rồi giám sát việc tổ chức triển khai thực hiện.
Để làm sao chính sách đi vào cuộc sống, nó phải đến đúng đủ, kịp thời công bằng và phải tạo ra sự đoàn kết thống nhất, không để gây ra mất trật tự an toàn xã hội mà không gây sự mâu thuẫn trong xã hội".
Hoan Nguyễn