Thủ tướng ký ban hành nghị quyết về gói an sinh xã hội
Trong đó, với những người lao động nghỉ không lương và người bị tạm hoãn hợp đồng từ một tháng trở lên sẽ được nhận hỗ trợ 1,8 triệu đồng.
Các doanh nghiệp khó khăn về tài chính sẽ được vay không cần tài sản thế chấp và hưởng chính sách 0% từ Ngân hàng chính sách để trả thêm một nửa tháng lương nữa cho những người lao động này.
Các hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng một năm, tạm ngừng kinh doanh từ 1-4 năm nay sẽ được hỗ trợ 1 triệu đồng mỗi tháng tùy theo diễn biến của dịch bệnh nhưng không quá 3 tháng.
Với những người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động hay có hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp hoặc lao động không có giao kết hợp đồng bị mất việc làm cũng sẽ được hưởng hỗ trợ 1 triệu đồng mỗi tháng, từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay.
Những người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp hằng tháng, người được hưởng trợ cấp xã hội được nhận 500.000 đồng mỗi tháng. Còn hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ 250.000 mỗi người mỗi tháng và nhận trong một lần cho cả 3 tháng.
Việc thực hiện gói hỗ trợ này trên tinh thần Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc bảo đảm cuộc sống cho người lao động. Trong đó, Nhà nước cũng ưu tiên dành nguồn lực từ ngân sách nhà nước được phân chia phù hợp giữa ngân sách trung ương và địa phương để thực hiện chính sách hỗ trợ này.
Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và xã hội chủ trì hướng dẫn các địa phương xác định đúng đối tượng và thực hiện chính sách này.
Trước đó, ngày 8/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành phiên họp bất thường dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân để xem xét, cho ý kiến về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo đề nghị của Chính phủ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với việc cần ban hành một số chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
B.Quyền