Theo chân đam mê dạy kỹ năng tài chính cho trẻ
Dù rất bận rộn với công việc cũng như phải lo toan cho ba con nhỏ đang trong độ tuổi đi học, chị Đỗ Thu Nga, vẫn cố gắng sắp xếp thời gian để tham gia giảng dạy các lớp học Cha-Ching.
Là một trong số hơn 20 giáo viên tình nguyện gắn bó với dự án từ những ngày đầu thành lập, chị Nga luôn dành sự ưu tiên cho công việc này bởi nó không chỉ phù hợp với sở trường của bản thân mà còn là cơ hội để chị trao đi kiến thức, kỹ năng cho các em nhỏ, đặc biệt là các em có hoàn cảnh kém may mắn.
Các lớp học quản lý tài chính Cha-Ching thường diễn ra vào hai ngày cuối tuần, vì vậy dù ít hay nhiều đội ngũ giáo viên tình nguyện đều phải hy sinh thời gian bên gia đình hay công việc riêng của mình. Tham gia giảng dạy Cha-Ching đối với chị Nga nói riêng, cũng như hầu hết các giáo viên tình nguyện, đều xuất phát từ mong muốn sẻ chia và niềm yêu thích công tác thiện nguyện vì cộng đồng.
Từng giảng dạy nhiều lớp học Cha-Ching, chị Trương Nguyệt Ánh – tình nguyện viên của dự án – luôn cảm nhận được niềm vui, sự hứng khởi mỗi khi các em nhỏ được tiếp cận những kiến thức tài chính mới mẻ. Tinh thần hăng say học tập, phát biểu và tiếp thu kiến thức của các em chính là động lực khích lệ chị trong suốt quãng thời gian dạy tại Trường tình thương Ái Linh (TP. HCM). Dù buổi học có thể diễn ra ngay tại sân trường, không có bàn ghế, mỗi cuối tuần các em vẫn chăm chỉ đi học. Thậm chí có lúc, các em không ngần ngại nằm xuống sàn để làm bài tập.
Tương tự chị Ánh, càng gắn bó với các lớp học, chị Đỗ Thu Nga càng cảm động trước tinh thần ham học bất kể khó khăn của các em học sinh. Chị nhớ mãi lớp học ở trường tình thương La San, do các cha xứ mở cho trẻ em mồ côi, hoàn cảnh khó khăn ở TP. HCM. Gọi là trường học, nhưng thực tế cơ sở vật chất rất đơn sơ và nằm sâu trong một con ngõ nhỏ. Các em phải đi bộ rất xa mới vào đến trường.
“Mình đã vô cùng xúc động khi nghe các con chỉ từ 7, 8 tuổi chia sẻ cách kiếm tiền qua nhặt ve chai, bán vé số,...Các con thậm chí tâm sự với mình rằng sẽ để dành tiền vào hộp tiết kiệm Cha Ching để giúp đỡ bố mẹ hay dành tiền đi học đại học”, Chị Nga tâm sự.
Với đội ngũ tình nguyện viên Cha-Ching, tình cảm các em nhỏ dành cho mình chính là những “món quà” tinh thần to lớn. Riêng với chị Trương Nguyệt Ánh, chị cảm thấy như được truyền cảm hứng, học tập và làm việc chăm chỉ hơn mỗi ngày. “Mình tin rằng chính sự ngây thơ, hồn nhiên, thích khám phá và ham học hỏi của các em đã truyền cho mình và các giáo viên tình nguyện rất nhiều năng lượng tích cực, giúp chúng mình xua tan đi những mệt mỏi sau một tuần làm việc căng thẳng, vất vả”, chị Ánh bộc bạch.
Còn đối với anh Phùng Sỹ Tùng, công việc của một tình nguyện viên dự án Cha-Ching giúp anh cảm nhận rõ giá trị mà dự án đóng góp cho cộng đồng. “Khi dạy ở làng trẻ SOS Nha Trang, tôi nhận thấy một số bé rất có ý thức về tài chính, ý thức tích lũy từ sớm cho những dự định tương lai. Tôi tin rằng với các bé như vậy, chỉ cần được tạo dựng nền tảng kiến thức, định hướng tốt sẽ mở ra cơ hội mang đến cuộc sống tốt hơn dù các bé ở xuất phát điểm nào”, anh Tùng nhấn mạnh.
Gieo kiến thức, cho trẻ sự tự tin bước vào đời
Cha-Ching là dự án giáo dục quản lý tài chính của Prudential dành cho trẻ em trong độ tuổi 7-12. Dự án chính thức đi vào triển khai tại Việt Nam từ năm học 2019-2020 tại các trường tiểu học. Bước sang năm thứ 5, Cha-Ching đã và đang tiếp cận hơn 100.000 học sinh, và 3.000 giáo viên tại hơn 300 trường tiểu học thuộc 7 tỉnh thành.
Nhận thấy nhu cầu cần phổ cập kiến thức cho các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt, không nằm trong hệ thống giáo dục phổ thông chính quy, dự án thành lập đội ngũ giáo viên tình nguyện từ tập thể nhân viên Prudential để dẫn dắt các lớp học Cha-Ching miễn phí từ năm 2022.
Tới nay, đội ngũ giáo viên tình nguyện Cha-Ching đã đóng góp hơn 220 giờ tình nguyện, giảng dạy Cha-Ching cho hơn 600 học sinh tại các trường tình thương, trung tâm bảo trợ xã hội, cũng như các lớp học dành con em khách hàng, nhân viên và tư vấn viên Prudential khắp cả nước.
Đặc biệt, sáng kiến độc đáo này được đánh giá cao bởi Quỹ Prudence (đơn vị đồng sáng lập và phát triển dự án), cũng như trở thành mô hình tiêu biểu để nhân rộng. Theo đó, Prudential Campuchia đã tiếp nhận mô hình để học tập và triển khai cho dự án Cha-Ching tại nước mình.
“Tôi đánh giá mô hình giáo viên tình nguyện Cha-Ching rất phù hợp với Prudential Campuchia. Không chỉ đóng góp vào việc giáo dục trẻ em, nhân viên tình nguyện tham gia giảng dạy Cha-Ching còn có cơ hội nâng cao và áp dụng kiến thức tài chính vào cuộc sống. Quá trình học hỏi hai chiều này tạo ra một trải nghiệm có lợi cho cả tình nguyện viên và các em học sinh”, Leakhena Seang, đại diện quản lý dự án Cha-Ching tại Prudential Campuchia, chia sẻ.
Tính hiệu quả của dự án đã từng được ghi nhận trong “Đánh giá chương trình giảng dạy Cha-Ching” của Tiến sĩ Adele Atkinson, nhà tư vấn độc lập cấp cao chuyên lĩnh vực tài chính, thực hiện sau khi dự án đi vào triển khai ở năm thứ 9. Tại Việt Nam, báo cáo đã chỉ ra rằng hiểu biết của trẻ về các kỹ năng tài chính tăng trung bình 34% sau khóa học Cha-Ching.
“Hai con của mình ý thức tốt hơn về tiền bạc sau khi tham gia chương trình Cha-Ching. Các con hiểu tiền đến từ lao động của bố mẹ, thương bố mẹ nhiều hơn. Thậm chí, hai bạn nhỏ thỉnh thoảng còn làm đồ thủ công để bán, biết cách ủng bạn nhỏ mồ côi, bỏ lợn tiền học, tiền lì xì và còn nhờ mẹ làm sổ tiết kiệm cho việc học đại học”, Chị Đỗ Thu Nga, chia sẻ thêm.
Là dự án trọng điểm của Prudential trong trụ cột Giáo dục, Prudential mong muốn Cha-Ching sẽ trang bị kỹ năng, kiến thức cần thiết cho trẻ nhằm tạo dựng một nền tảng vững vàng cho thế hệ tương lai như một phần trong cam kết dài hạn của Prudential về phát triển cộng đồng bền vững, thịnh vượng.
Trần Mạnh