Cụ thể, tình hình kinh tế thế giới đang có những diễn biến phức tạp về dịch Covid-19, trong nước nói chung và Hà Nội nói riêng tiếp tục bị ảnh hưởng của dịch tới tốc độ tăng trưởng kinh tế nhất là trong quý 3/2020. Để phát huy mọi nguồn lực và quyết tâm thực hiện tốt mục tiêu kép, kiên quyết không để dịch bệnh quay lại xóa đi thành quả Hà Nội đã đạt được, Đại biểu Trần Thị Vân Hoa - GS.TS. Phó hiệu trưởng trường đại học Kinh tế Quốc dân - đồng tình với báo cáo thẩm tra của các Ban và nghị quyết về kết quả thực hiện phát triển kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm và những thành công trong công tác phòng chống đại dịch Covid-19 vừa qua của thành phố.
Đại biểu Trần Thị Vân Hoa phát biểu.
Cụ thể, thứ nhất, về mục tiêu tăng trưởng, cần cân nhắc điều chỉnh 2 chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP và tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất, nhập khẩu. Với các kịch bản tăng trưởng đã được phân tích, khả quan nhất, nếu dịch bệnh trên thế giới được khống chế vào giữa quý 3, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2020 của Hà Nội chỉ đạt 5,9% (cả nước tăng trưởng 5,2%). Hiện nay, kinh tế – xã hội còn nhiều diễn biến phức tạp nên 6 tháng đầu năm Hà Nội chỉ đạt 3,39%. Để đạt kế hoạch 7,5%, cần có tốc độ tăng trưởng trên 8,5% trong quý 3 và 4.
"Đây là điều vô cùng khó khăn vì tác động dịch bệnh sẽ có độ trễ, nên cần điều chỉnh chỉ tiêu này để không tạo ra sức ép cho phát triển kinh tế – xã hội. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất, nhập khẩu 6 tháng qua cũng tăng trưởng âm, nên điều chỉnh cho phù hợp, vừa tạo động lực cho các bộ, ngành và DN", Đại biểu Trần Thị Vân Hoa cho hay.
Về giải pháp tăng trưởng, bà Hoa cho biết, Hà Nội cần quan tâm 2 giải pháp để phát huy yếu tố thành công trong đại dịch vừa qua. Thứ nhất, cần duy trì phát huy các lợi thế của ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy nhanh chuyển đổi số, khuyến khích các sở ngành tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong hội họp, giải quyết thủ tục hành chính nhằm tiết kiệm chi phí cho người dân; tăng cường tuyên truyền cung cấp thông tin các giải pháp và chính sách điều hành phát triển kinh tế của Chính phủ và TP một cách công khai, minh bạch đến từng người dân, doanh nghiệp để tạo nên quyết tâm của toàn hệ thống chính trị.
Thứ ba, các trường học, bệnh viện, cơ sở y tế cần tiếp tục phát huy thành quả ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chuẩn hóa bài giảng trực tuyến, đầu tư chuẩn hóa hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin trong dạy và học, đào tạo nâng cao năng lực công nghệ thông tin cho giáo viên.
Các cơ sở y tế cũng cần đầu tư xây dựng hệ thống khám chữa bệnh từ xa, cập nhật hoàn thiện hệ thống dữ liệu sức khỏe của người dân, chuẩn bị sẵn các phương án để chăm sóc sức khỏe người dân và nhất là cung cấp thông tin kịp thời, minh bạch trên hệ thống nền tảng số.
Toàn cảnh kỳ họp.
Đồng quan điểm, Đại biểu Phạm Đình Đoàn (tổ đại biểu Hoàng Mai) cho biết, TP cần đánh giá lại quỹ đất để lựa chọn nhà đầu tư phù hợp, theo hướng mang lại giá trị cao, phù hợp với môi trường đô thị. Đẩy nhanh việc thành lập các cụm công nghiệp theo quy hoạch, đẩy nhanh xây dựng hạ tầng để sớm có mặt bằng thu hút các doanh nghiệp. Đón làn sóng đầu tư trong và ngoài nước với chiến lược là đón cả "đại bàng" lẫn "chim sâu".
Thành phố nên thành lập các cơ quan giám sát tiến trình cắt giảm các rào cản kinh doanh. Cơ quan này của thành phố đóng vai trò độc lập, có tiếng nói quyết định, không tham gia quản lý, không có doanh nghiệp sau lưng, không thực hiện cấp phép mà chỉ thực hiện rà soát chất lượng các văn bản và phải là những nhà chuyên môn giỏi và thực sự công tâm.
"Hơn nữa, thành phố cần xây dựng chiến lược phát triển tổng thể, các cơ chế đặc thù của thành phố phải được cụ thể hóa bằng các kế hoạch, tổ chức lại không gian kinh tế hợp lý, kết nối hiệu quả liên kết hợp tác vùng, tận dụng cơ hội chủ động tìm kiếm các mô hình phát triển mới.
Đối với các nhà đầu tư, chính sách ưu đãi chưa phải là quan trọng nhất nhưng khi cân nhắc lựa chọn giữa các địa phương, các nhà đầu tư luôn quan tâm đến việc hỗ trợ của chính quyền.
Cùng với đó, thành phố cần đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, xây dựng thành công chiến lược phát kinh tế số và trí tuệ nhân tạo; tiếp tục thúc đẩy khởi nghiệp và tạo ra chính quyền thân thiện. Góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển toàn diện", Đại biểu Đoàn nhấn mạnh.
Theo Nguoiduatin.vn