Theo Ngân hàng Nhà nước, hạn mức tăng trưởng tín dụng là công cụ quan trọng giúp điều hành quản lý chất lượng tín dụng. Căn cứ vào quy mô, chất lượng tài sản của các tổ chức tín dụng để xếp hạng và giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng một cách linh hoạt.
Được biết, hạn mức tín dụng sẽ cấp cho từng ngân hàng riêng biệt, không cố định, đồng thời cũng xem xét để thay đổi từng đợt khi cần thiết. Bên cạnh đó, mục tiêu quan trọng hơn của chính sách tiền tệ đó là ổn định kinh tế vĩ mô. Hiện nay quy mô tín dụng đang chiếm trên 140% GDP, chính vì thế nền kinh tế vẫn đang phụ thuộc lớn vào vốn vay ngân hàng, do đó nếu bỏ trần hạn mức sẽ gây ra nhiều bất ổn.
Đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước cũng đã giao chỉ tiêu hạn mức tín dụng lần đầu cho các ngân hàng trong hệ thống. Ví dụ: Techcombank là ngân hàng được cấp "room" tín dụng ở mức cao nhất với 12%; TPBank: 11,5%; Vietcombank, MB, MSB được cấp hạn mức tín dụng là 10,5%. Ba ngân hàng quốc doanh còn lại là Agribank, BIDV, VietinBank và một số ngân hàng cổ phần khác chỉ được cấp hạn mức tín dụng từ 6,5% - 7,5%.
Thông tin từ các công ty chứng khoán ghi nhận, trong vòng 4 hoặc 5 tháng đầu năm, nhiều ngân hàng tư nhân đã sử dụng hết hạn mức tín dụng ban đầu do Ngân hàng Nhà nước giao đầu năm 2021. Dấu hiệu cạn room đã được thể hiện rõ khi tốc độ tăng trưởng cho vay trong quý I đã gần bằng hạn mức cho cả năm.
Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã giao chỉ tiêu định hướng là 12%. Nhưng trên thực tế tăng trưởng 5 tháng đầu năm là 5%, chúng tôi đánh giá là cũng khá phù hợp với diễn biến nền kinh tế. Tất nhiên, trong quá trình triển khai các chỉ tiêu đầu năm sẽ có điều chỉnh trong năm với các tổ chức tín dụng có yêu cầu.
Trước đề xuất bỏ trần hạn mức tín dụng, ông Tú chia sẻ, đây chính là một trong những giải pháp điều hành của Ngân hàng Nhà nước sử dụng trong thời gian qua. Với mục tiêu là có những giải pháp phù hợp ổn định nền kinh tế, ổn định vĩ mô là tối quan trọng. Tại Việt Nam, vốn tín dụng của ngân hàng cung cấp cho nền kinh tế là chủ yếu, bên cạnh đó thị trường cung ứng vốn ở các nước khác từ nhiều thị trường như chứng khoán và trái phiếu. Do đó, nếu như không quản lý tốt, hài hoà, sẽ khiến các ngân hàng tăng trưởng tín dụng một cách ồ ạt, không kiểm soát được thì nợ xấu có nguy cơ ngày một tăng lên.
Cao Huyền