Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ (Ảnh: internet)

Tình trạng thừa, thiếu giáo viên còn diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, đặc biệt là giáo viên dạy các môn tích hợp (Lịch sử - Địa lý, Khoa học tự nhiên), môn học mang tính đặc thù (Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật). Công tác đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học đối với ngành sư phạm Âm nhạc và sư phạm Mỹ thuật cũng chưa kịp để đáp ứng nguồn giáo viên cho công tác tuyển dụng.

Theo Bộ Tư pháp, cần có các giải pháp căn cơ để giải quyết trình trạng thiếu giáo viên dạy các môn học mới tại một số địa phương, với thời gian, đối tượng và môn học theo tình hình thực tế. Dự thảo Nghị quyết về việc cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng dạy các môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận xã hội, trong bối cảnh công tác đào tạo tại các cơ sở giáo dục đại học đối với ngành sư phạm chưa đáp ứng được nguồn giáo viên.

Việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội cho phép những địa phương thiếu giáo viên được tuyển dụng người có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm hoặc có bằng tốt nghiệp cao đẳng và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm để dạy một số môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 gồm: Tiếng Anh, Tin học, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) là cần thiết nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các địa phương khi triển khai thực hiện quy định về chuẩn trình độ đào tạo tại Luật Giáo dục năm 2019.

Chính sách này cũng góp phần mở rộng nguồn tuyển, khắc phục tình trạng thừa – thiếu giáo viên, dần bảo đảm số lượng giáo viên triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở một số môn học; đồng thời khuyến khích, thu hút những người đã được đào tạo, yêu quý nghề giáo vào ngành.

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần đánh giá, nghiên cứu kỹ lưỡng để đề xuất các giải pháp mang tính căn cơ, nhằm giải quyết trình trạng thiếu giáo viên có trình độ cử nhân giảng dạy hiện nay; đánh giá cụ thể, chỉ áp dụng đối với các địa bàn thực sự thiếu, không thể tuyển dụng được giáo viên có trình độ cử nhân, để tránh lạm dụng, trục lợi chính sách trong quá trình thực hiện.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh nhấn mạnh, nhiều địa phương đã có cơ chế riêng thu hút giáo viên giảng dạy các cấp, do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần cân nhắc chỉ cho phép tuyển dụng người có trình độ cao đẳng giảng dạy tại một số địa phương với thời gian, đối tượng và môn học theo tình hình thực tế, tránh làm giảm chất lượng giáo dục.

Ngoài ra, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Giáo dục và Đào tạo cân nhắc thay đổi hình thức văn bản thành Nghị quyết thí điểm; nghiên cứu việc xây dựng chính sách thu hút tuyển dụng đối với cả cơ sở giáo dục ngoài công lập; rà soát nội dung dự thảo Luật với các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước...

PV (t/h)