Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, báo cáo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết, đến cuối tháng 4, toàn ngành mía đường ép được 6.263.796 tấn mía, sản xuất được 661.712 tấn đường. 

Ước tính sản lượng đường từ mía niên vụ 2020/2021 đạt khoảng 700.000 tấn (tương đương sản lượng mía khoảng 7 triệu tấn, thấp hơn niên vụ 2019/2020 khoảng 70.000 tấn).

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, nguồn cung đường cho tiêu dùng trong nước năm 2021 ngoài lượng sản xuất nêu trên còn phụ thuộc lớn vào lượng đường các doanh nghiệp sẽ nhập khẩu chính ngạch trong những tháng tới.

Theo số liệu Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu thụ đường trung bình những năm gần đây từ 2,1 – 2,3 triệu tấn/năm. Lượng đường nhập khẩu chính ngạch trong 3 tháng đầu năm, trung bình mỗi tháng nhập khoảng 125.000 tấn.

Với số liệu như trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, tổng cung khoảng 2,2 triệu tấn chưa tính lượng đường tồn kho. Từ đó, có thể đánh giá việc thiếu hụt đường là không nghiêm trọng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Công Thương xem xét thêm lượng đường dự trữ trong hệ thống phân phối, lưu thông của thương nhân và dự báo lượng đường sẽ nhập khẩu những tháng cuối năm làm cơ sở tính toán, đảm bảo cân đối cung cầu đường trong nước cũng như hài hòa cho ngành sản xuất mía đường, lợi ích người dân trồng mía.

Về số lượng hạn ngạch thuế quan, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Công Thương công bố lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2021 theo lượng tối thiểu cam kết trong WTO là 108.150 tấn.

Để đảm bảo nguồn cung hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường tăng mạnh dịp cao điểm vào hè và phục vụ sản xuất mùa Trung thu, tránh hiện tượng thiếu hụt nguồn cung, đội giá cao, trên cơ sở đảm bảo nguyên liệu đường cho sản xuất trong nước, lợi ích người tiêu dùng, người dân trồng mía. 

Đồng thời, đảm bảo thực hiện theo cam kết WTO, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị việc đấu giá hạn ngạch nhập khẩu đường thực hiện trong quý III/2021.

Theo báo cáo của Hiệp hội mía đường Việt Nam, giá đường những tháng đầu năm 2021 có chiều hướng tăng mạnh, giá đường kính trắng tăng từ 13.500 đồng/kg lên 16.800 đồng/kg, tăng 3.300 đồng/kg tương đương tăng 24,4% trong 3 tháng. 

Giá đường tinh luyện cũng tăng từ 14.000 đồng/kg lên đến 18.000 đồng/kg, tăng đến 4.000 đồng/kg, tương đương 28,6% trong 3 tháng. Giá mía sản xuất trong nước niên vụ 2020/2021 tại ruộng tăng lên từ 950.000 – 1.000.000 đồng/tấn, tăng từ 50.000 – 100.000 đồng/tấn so với niên vụ trước.

Nguyễn Kiên