Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu đang suy thoái nghiêm trọng. Các tổ chức quốc tế như IMF, WB đều điều chỉnh hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới.
Mặc dù vậy, các tổ chức vẫn đánh giá tích cực tăng trưởng kinh tế Việt Nam, trong đó, IMF dự báo tăng 2,7%, WB dự báo tăng 2,8% và ADB dự báo tăng 4,1%.
Diễn biến dịch COVID-19 còn rất phức tạp, khó lường và Việt Nam chưa thể mở cửa trở lại với các quốc gia. Triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu là rất khó khăn, phụ thuộc rất nhiều vào khả năng sản xuất được vaccine, thuốc điều trị COVID-19.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, nếu để dịch bùng phát trở lại trong nước thì hậu quả sẽ rất nặng nề, sẽ có nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng, tạm dừng hoạt động, giải thể, phá sản. Dự báo 6 tháng cuối năm còn nhiều thách thức khi sức ép về kiểm soát lạm phát là rất lớn, thị trường đầu ra cho sản xuất kinh doanh, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, dệt may, da giày... còn gặp nhiều khó khăn.
Để kích thích tăng trưởng, phục hồi nhanh và thúc đẩy phát triển kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các cấp, ngành cần nhận thức đúng mức độ nghiêm trọng và khẩn cấp của tình hình kinh tế - xã hội hiện nay; tuyệt đối không chủ quan, xác định nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế với phương châm “chống suy thoái kinh tế như chống giặc”.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất: Chính phủ trình Ban Bí thư thành lập Ban chỉ đạo quốc gia chống suy thoái kinh tế sau đại dịch COVID-19 do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, thành viên là đại diện từ các cơ quan trong hệ thống chính trị để quyết tâm sớm triển khai kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ và phục hồi tăng trưởng cho nền kinh tế.
Khẩn trương tổ chức các Đoàn công tác của Chính phủ, đoàn công tác liên ngành và của từng bộ, ngành kiểm tra, làm việc cụ thể với các vùng động lực, địa phương lớn để trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, giải quyết các vấn đề hỗ trợ tăng trưởng.
Một trong các biện pháp chống suy thoái kinh tế là phát huy tối đa các lợi thế để đón nhận hiệu quả sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư quốc tế phục vụ phát triển đất nước.
Ngoài ra, cần thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số trong nước, tham gia xây dựng các qui chuẩn, qui định, luật chơi mới trong quản trị kinh tế toàn cầu và khu vực
Cần mở rộng không gian phát triển, tìm kiếm thêm động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.
Ngoài ra, cần đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, sắp xếp, tổ chức lại và phục hồi, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, hướng tới xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát triển bền vững hơn.
Cần tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới.
Khuyến khích tổ chức tín dụng triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất ưu đãi để góp phần duy trì, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt chú trọng cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay ngân hàng với lãi suất hợp lý, bảo đảm khôi phục sản xuất, việc làm cho người lao động.
Đồng thời, tập trung thực hiện các giải pháp về lao động, việc làm, trong đó cấp thị thực và áp dụng thống nhất thủ tục nhập cảnh cho các chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật là người nước ngoài làm việc trong các dự án đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, được nhập cảnh vào Việt Nam để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Nguyễn Kiên