Theo dự thảo, một số mức phí thẩm định liên quan đến cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, gia hạn... có sự thay đổi so với quy định hiện nay tại Thông tư số 277/2016/TT-BTC.
Bộ Tài chính cho biết, mức thu phí tại Thông tư 277/2016/TT-BTC được kế thừa theo quy định tại Thông tư số 03/2013/TT-BTC ngày 08/01/2013 của Bộ Tài chính. Đến nay, đã qua khoảng 09 năm thực hiện, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng khoảng 30%, lương cơ bản tăng 40%. Do đó, tiền phí thu được không đủ bù đắp chi phí thuê chuyên gia thẩm định, Hội đồng tư vấn, chi phí cho các đoàn đánh giá, chi phí thuê kho lưu trữ, cước bưu chính, thuê dịch vụ công nghệ thông tin, vận chuyển hồ sơ,...
Theo quy định về quản lý dược phẩm, do yêu cầu quản lý chặt chẽ hơn, vì vậy, việc thẩm định hồ sơ đối với một số dược phẩm yêu cầu nhiều hơn, thời gian thẩm định lâu hơn. Từ đó, phát sinh thêm chi phí thực hiện.
Cũng theo dự thảo, Cục Quản lý Dược, Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền, Bộ Y tế và sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện các công việc quy định thu phí tại biểu mức thu phí ban hành kèm theo thông tư này là tổ chức thu phí.
Biểu mức thu phí được quy định tại dự thảo thông tư này có thay đổi so với quy định hiện hành. Cụ thể: Phí thẩm định cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc (trừ vị thuốc cổ truyền theo quy định) được đề xuất 02 phương án, từ 8.250.000 đồng/hồ sơ đến 11.000.000 đồng/hồ sơ.
Mức thu phí thẩm định gia hạn giấy đăng ký lưu hành đối với thuốc nguyên liệu làm vị thuốc cổ truyền có mức là 4.500.000 đồng/hồ sơ. Phí thẩm định điều kiện sản xuất mỹ phẩm cấp Giấy chứng nhận GMP mỹ phẩm tuân thủ CGMP-ASEAN là 30.000.000 đồng/cơ sở...
Về kê khai, nộp phí, tổ chức thu phí thực hiện kê khai, nộp số tiền phí thu được theo tháng, quyết toán năm, theo quy định tại Luật Quản lý thuế, Nghị định số 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Tổ chức thu phí nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách Nhà nước. Nguồn chi phí trang trải cho việc thực hiện công việc và thu phí do ngân sách Nhà nước bố trí trong dự toán của tổ chức thu theo chế độ, định mức chi ngân sách.
Trường hợp tổ chức thu phí là cơ quan Nhà nước được khoán chi phí hoạt động từ nguồn thu phí, theo quy định tại Nghị định số 120/2016/NĐ-CP, thì được trích lại 70% số tiền phí thu được để trang trải chi phí cho các nội dung chi theo quy định. Sau khi quyết toán thu, chi đúng chế độ, số tiền phí trong năm được trích để lại chưa chi được chuyển sang năm sau để tiếp tục chi theo chế độ quy định. Trường hợp hết năm, số tiền phí đã được chuyển nguồn không còn nhiệm vụ chi thì phải nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước.
Sau khi để lại 70%, thì tổ chức thu phí nộp 30% tiền phí thu được vào ngân sách Nhà nước theo quy định.
H.M