THCL Hiện dịch cúm gia cầm xuất hiện ở một số tỉnh trên cả nước, gây nhiều thiệt hại về vật chất và có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người, khiến dư luận vô cùng lo lắng.
Để tránh vi rút cúm lây sang người, mỗi người dân cần chủ động phòng chống
Bùng phát tại nhiều địa phương
Theo thông tin từ Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), tính đến ngày 4/3/2017, cả nước có các ổ dịch cúm gia cầm xảy ra tại 11 hộ chăn nuôi thuộc 9 xã của 6 tỉnh chưa qua 21 ngày. Trong số đó, cúm A/H5N1 xảy ra tại 6 hộ dân của 6 xã và cúm A/H5N6 xảy ta tại 5 hộ chăn nuôi của 3 xã.
Tại Bạc Liêu (cúm A/H5N1) xảy ra tại 1 hộ chăn nuôi thuộc xã Vĩnh Phú Đông (Phước Long, đã qua 12 ngày). Số gia cầm chết và tiêu hủy là 2.785 con; tại An Giang (cúm A/H5N1) dịch xảy ra tại 1 hộ chăn nuôi thuộc xã Phú Mỹ Đông (Thoại Sơn, đã qua 15 ngày). Số gia cầm chết và tiêu hủy là 80 con.
Sóc Trăng (cúm A/H5N1): Dịch xảy ra tại 1 hộ chăn nuôi thuộc xã Mỹ Tú (Mỹ Tú, đã qua 11 ngày). Số gia cầm chết và tiêu hủy là 945 con; Đồng Nai (cúm A/H5N1) xảy ra tại 1 hộ chăn nuôi thuộc xã Suối Trầu (Long Thành, đã qua 16 ngày). Số gia cầm chết và tiêu hủy là 5.000 con.
Nghệ An (cúm A/H5N1) bùng phát tại 2 hộ chăn nuôi của 2 xã gồm xã Diễn Nguyên (Diễn Châu). Số gia cầm chết và tiêu hủy là 72 con; tại xã Diễn Cát (Diễn Châu): Dịch xảy ra tại 1 hộ chăn nuôi (đã qua 14 ngày). Số gia cầm chết và tiêu hủy 50 con.
Quảng Ngãi (cúm A/H5N6) xảy ra tại 5 hộ chăn nuôi của 3 xã, gồm xã Phổ Cường (Đức Phổ: Dịch xảy ra tại 1 hộ chăn nuôi, đã qua 20 ngày), số gia cầm chết và tiêu hủy là 4.500 con; xã Tịnh Ấn Đông (TP. Quảng Ngãi): Dịch xảy ra tại 3 hộ chăn nuôi (đã qua 20 ngày). Số gia cầm chết và tiêu hủy là 11.000 con; tại xã Bình Minh (Bình Sơn): Dịch xảy ra tại 1 hộ chăn nuôi (đã qua 18 ngày). Số gia cầm chết và tiêu hủy là 2.000 con.
Riêng ổ dịch (cúm A/H5N1) tại 3 hộ chăn nuôi thuộc xã Trực Thuận (Trực Ninh, Nam Định) đã qua 21 ngày không phát sinh ca bệnh mới…
Ông Đàm Xuân Thành, Phó cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) nhận định, nguy cơ dịch phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao. Một số chủng virus cúm gia cầm chưa có ở Việt Nam (A/H7N9, A/H5N2, AH5N8) có nguy cơ xâm nhiễm vào trong nước thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác có tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu.
“Các địa phương cần chủ động trong công tác phòng, chống cúm gia cầm; tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm việc nhập lậu gia cầm, giám sát chặt địa bàn để phát hiện và xử lý ổ dịch kịp thời”, ông Đàm Xuân Thành nhấn mạnh.
Người dân cần chủ động phòng chống
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, nếu vi rút cúm A (H5N1) gây bệnh rầm rộ trên gia cầm, thì vi rút cúm A (H7N9) biểu hiện mức độ gây bệnh trên gia cầm thấp, nhưng gây bệnh trên người lại cao. Vi rút cúm A (H7N9) có nguồn gốc từ gia cầm, gây nhiễm trên gia cầm, nhưng gia cầm lại không có biểu hiện triệu chứng – khác với vi rút cúm A (H5N1). Hiện tại, cả 2 loại cúm gia cầm này hiện đều chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Trước thực trạng trên, Bộ Y tế khuyến cáo: Để chủ động phòng chống bệnh cúm A (H5N1) và cúm A (H7N9) ở người, người dân nên thường xuyên rửa tay với xà phòng; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, nơi ở thông thoáng, hạn chế tiếp xúc với người bệnh.
Mọi người không sử dụng gia cầm, sản phẩm của gia cầm không rõ nguồn gốc; đảm bảo ATTP. Khi phát hiện có gia cầm ốm, chết, người dân phải báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
Người trở về nước từ khu vực có dịch bệnh phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh, khai báo tình trạng sức khỏe cho cơ quan y tế địa phương để được theo dõi sức khỏe. Khi có các biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.
Đối với với khách du lịch khi đi đến các quốc gia đang có dịch bệnh cúm A (H7N9), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo: Không nên đi đến khu vực giết mổ gia cầm; tránh xa các trại nuôi gia cầm hoặc tránh tiếp xúc với gia cầm sống tại các chợ bán gia cầm; không nên tiếp xúc với với các vật dụng bị ô nhiễm bởi phân gia cầm hoặc vật nuôi; thường xuyên rửa tay với xà phòng; luôn tuân thủ an toàn vệ sinh thực phẩm và thực hành vệ sinh cá nhân tốt.
Đối với người có biểu hiện các triệu chứng viêm đường hô hấp cấp khi đi du lịch hoặc ngay sau khi trở về từ khu vực đang có dịch bệnh cúm cần nghĩ tới do cúm A (H7N9) và được khám, chẩn đoán để xác định bệnh.
Ngoài ra, mỗi người cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể như chế độ dinh dưỡng phải được đảm bảo; bổ sung đủ cả lượng và chất, ăn đủ bữa, mỗi bữa cần có đủ số lượng và chất lượng để nâng cao sức chống đỡ của cơ thể.
Tuấn Ngọc