Các mô hình nhượng quyền thương hiệu như: Trà sữa, cà phê, mì cay, ẩm thực, chăm sóc sức khỏe… liên tục tăng số lượng, bất chấp tình hình kinh tế khó khăn. Một số thương hiệu còn ký được hợp đồng nhượng quyền ra nước ngoài và Dịch vụ chăm sóc mẹ và bé Care With Love, Phúc tea, Phở S là những điển hình.
Care With Love được biết đến là dịch vụ y tế chăm sóc sức khoẻ mẹ và bé duy nhất tại TP. HCM được Sở Y tế cấp giấy phép hoạt động. Suốt hành trình gần 10 năm gây dựng thương hiệu, Care With Love đã phục vụ hơn 55.000 mẹ và 43.000 bé. Nhiều bà mẹ sau khi sử dụng dịch vụ đã rất hài lòng và giới thiệu đến người thân, bạn bè. Ngoài hàng chục điểm được nhượng quyền thương hiệu trên cả nước, mới đây Care With Love đã thành công khi nhượng quyền thương hiệu tại thị trường Philippines.
Để có được hợp đồng này, Care With Love đã phải chuẩn bị rất nhiều. Ngoài sự chuyên nghiệp trong quản lý thì tâm thế khi đàm phán, huấn luyện chuyển giao… là những yếu tố quan trọng khi bước chân ra quốc tế.
Chị Trần Thảo Vi, người sáng lập Care With Love cho biết: Nhượng quyền thương hiệu không có gì lạ lẫm, nhưng số lượng thương hiệu Việt nhượng quyền được ra nước ngoài không nhiều. Do tâm thế, thực lực của doanh nghiệp Việt còn hạn chế, thiếu tự tin vì không có đặc trưng riêng. Chính vì vậy, để thành công khi nhượng quyền thương hiệu Việt Nam ra nước ngoài, rất cần những doanh nghiệp tiên phong khai phá…
Chuỗi trà sữa với nguyên liệu thuần Việt thương hiệu Phúc Tea sau 06 năm kinh doanh, ngoài 135 chi nhánh trên toàn quốc (80% số chi nhánh trong đó là nhượng quyền) cũng thành công nhượng quyền ở thị trường Indonesia, Philipines. Công ty cũng đang trong quá trình thỏa thuận với đối tác ở Malaysia để nhượng quyền đại lý độc quyền, "master franchise".
Ông Trần Nhật Vũ, nhà đồng sáng lập thương hiệu chuỗi trà sữa Phúc Tea thông tin: "Mục tiêu là đem những đặc trưng bản địa của nông sản Việt xuất đi nước ngoài bằng cách đóng gói mô hình và xuất khẩu cả mô hình luôn. Chứ không đơn giản là xuất một vài tấn thanh long hay một vài tấn gạo như trước đây… mà là một mô hình kinh doanh đóng gói tổng thể. Thì trong mô hình này chúng tôi sẽ lồng ghép nông sản Việt, câu chuyện văn hóa Việt luôn trong đó để xuất khẩu".
Chuyên gia nhượng quyền Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch của Go Global Holdings phân tích, hiện nay nhiều chủ thương hiệu vẫn chưa hiểu đúng về nhượng quyền, nền tảng chưa chuyên nghiệp, các hình thức nhượng quyền chưa hợp lý và hiểu biết pháp lý chưa đầy đủ. Điều này dẫn đến nhiều mâu thuẫn và tranh chấp đáng tiếc, làm nhiễu loạn thị trường. Đó cũng là một phần nguyên nhân khiến số lượng thương hiệu Việt nhượng quyền chưa nhiều.
bà Nguyễn Phi Vân cho rằng, nhượng quyền là một trong số ít lĩnh vực có sự phát triển sôi động trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện tại. Trong đó, thị trường không chỉ gói gọn trong nước, rất nhiều thương hiệu Việt có tiềm năng bước ra sân chơi quốc tế mà trước tiên là chinh phục thị trường gần nhất Đông Nam Á. Muốn nhượng quyền hiệu quả, nhà đầu tư cần phải hiểu rõ bản thân để chọn cách đầu tư phù hợp. Để thay đổi được nhận thức của đối tác, khách hàng thì sản phẩm phải có sự khác biệt, bản sắc riêng mà những thị trường khác không có.
Bà Nguyễn Phi Vân chia sẻ: "Nhượng quyền dành cho bất cứ ngành nghề nào. Đặc biệt là những doanh nghiệp đang chuyển mình từ những công ty sản xuất nuôi trồng, thủy sản, nông nghiệp… sau sản xuất chế biến thì phải tạo ra những sản phẩm và dịch vụ từ sản xuất chế biến này. Sau đó tạo được những mô hình, dịch vụ để cung cấp trực tiếp cho người tiêu dùng, từ nhà sản xuất phải chạm được đến người khách hàng đầu cuối…"
Nhượng quyền thương hiệu không phải là mới, nhưng chúng ta chưa thực sự tạo được một môi trường đào tạo, hướng dẫn bài bản. Chính bởi vậy, doanh nghiệp Việt phải chuẩn bị chu đáo hơn, chuẩn hóa mô hình… Chính những điều này sẽ mang lại tự tin khi bước ra nhượng quyền thương hiệu ở sân chơi quốc tế.
X. Hải(t/h)