Trước đó, ngày 8/4/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng đối với ông Nguyễn Văn Minh (SN 1955, quê quán tỉnh Bình Dương; cư trú TP Hồ Chí Minh), Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty 3/2; ông Trần Nguyên Vũ (SN 1977, quê quán tỉnh Khánh Hòa, cư trú tại TP Hồ Chí Minh), Tổng giám đốc Tổng công ty 3/2; khởi tố bị can và ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với ông Huỳnh Thanh Hải (SN 1964, quê quán tỉnh Bình Dương), thành viên HĐQT, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương.
Các bị can trên bị khởi tố để điều tra liên quan đến hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo quy định tại Điều 219 của Bộ luât Hình sự năm 2015 được sửa đổi 2017.
Ông Nguyễn Văn Minh, cựu chủ tịch HĐQT Tổng công ty Sản xuất - xuất nhập khẩu tỉnh Bình Dương (Tổng công ty 3-2)
Tỉnh ủy Bình Dương đồng ý cho bán rồi lại quyết định thu hồi
Theo hồ sơ vụ việc, năm 2010, Tổng Công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (TCT Bình Dương), là doanh nghiệp do Tỉnh ủy Bình Dương quản lý, đã tiến hành góp vốn với Công ty Cổ phần bất động sản Âu Lạc để thành lập liên doanh là Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Tân Phú (Cty Tân Phú) nhằm thực hiện triển khai dự án tại khu B, diện tích 43ha thuộc khu đất dịch vụ. Tân Phú có vốn điều lệ 200 tỷ (trong đó TCT Bình Dương góp 30% tương đương 60 tỷ, Âu Lạc góp 140 tỷ, tưởng đương 70%).
Ngày 17/8/2010, Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương đã đồng ý chủ trương cho Công ty sản xuất XNK Bình Dương được hợp tác với Công ty CP BĐS Âu Lạc để thành lập Công ty Liên doanh đầu tư xây dựng và kinh doanh dự án tại khu B có diện tích 43ha bằng công văn số 1830.
Năm 2016, khi tiến hành cổ phần hóa, TCT Bình Dương xin Tỉnh ủy Bình Dương cho giữ lại khu đất 43ha để thực hiện cam kết liên doanh với Công ty Âu Lạc để tành lập Liên doanh Công ty tân Phú. TCT Bình Dương chỉ chuyển giao phần góp vốn 30% ở Tân Phú cho công ty kế thừa phần vốn của Tỉnh ủy Bình Dương.
Khu đất 43ha nằm vị trí đắc địa bậc nhất tỉnh Bình Dương
Theo Công văn số 105 ngày 20/8/2016, gửi Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương, Công ty Bình Dương đã cho biết: “Thực chất quyền sử dụng đất khu 43ha sẽ phải bàn giao cho liên doanh theo hợp đồng liên doanh”, do vậy Công ty Bình Dương đã kiến nghị thường trực Tỉnh ủy cho phép điều chỉnh phương án không chuyển giao khu đất trên cho Công ty TNHH MTV Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương, mà chỉ chuyển giao 30% phần góp vốn của Tổng Công ty (Công ty Bình Dương) tại Công ty Tân Phú cho công ty này.
Để hồi đáp, ngày 29/8/2016, Tỉnh ủy Bình Dương đã ban hành Công văn số 477 “đồng ý không chuyển giao khu đất 430.000,3m2 cho Công ty TNHH MTV Đầu tư và Quản lý Dự án Bình Dương, để Tổng Công ty sản xuất-XNK Bình Dương-TNHH MTV tiếp tục thực hiện chủ trương tại Công văn số 1830 ngày 17/8/2010 của thường trực Tỉnh ủy.
Cuối năm 2016, TCT Bình Dương thực hiện đúng thỏa thuận liên doanh bằng việc chuyển nhượng 43ha đất với giá 250 tỷ đồng cho liên doanh Tân Phú, như vậy TCT Bình Dương lãi 200 tỷ. Ngày 1/3/2017, Sở TN&MT cấp “sổ đỏ” cho Tân Phú đứng tên khu đất.Quyết định Trưng cầu giám định tư pháp số: 96/C46-P12 Của C46 (nay là C03) Bộ Công an
Đến ngày 13/3/2017, TCT Bình Dương xin Tỉnh ủy chuyển nhượng 30% vốn góp còn lại trong liên doanh Tân Phú cho Âu Lạc. Tất cả những hoạt động kinh doanh nêu trên của TCT Bình Dương đều được Tỉnh ủy Bình Dương đồng ý bằng Văn bản số 287 ngày 20/4/2017, cũng như các văn bản trước về việc xác nhận khu đất “không có nguồn gốc vốn do ngân sách cấp”; chấp thuận thành lập liên doanh Tân Phú; đồng ý cho chuyển nhượng phần vốn góp tại Tân Phú. Như vậy TCT Bình Dương lãi thêm 100 tỷ đồng.
Sau khi doanh nghiệp của Tỉnh ủy chấm dứt vai trò nghĩa vụ, quyền lợi tại liên doanh Tân Phú, Đến đầu 2018, Công ty Âu Lạc đã chuyển nhượng toàn bộ phần vốn tại Công ty Tân Phú cho Công ty A Đông Hải (sau đổi tên là Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Kim Oanh TP.HCM).
Tưởng chừng việc mua bán đã kết thúc thành công, pháp luật đã quy định rành mạch, và Công ty Kim Oanh đang tiến hành các bước để triển khai dự án thì bất ngờ sau cuộc họp sáng 10/10/2018, Tỉnh ủy Bình Dương đã có động thái đi ngược lại với chủ trương của chính mình đã ban hành trước đó. Trong cuộc họp này, Thường trực Tỉnh ủy Bình Dương “quyết định thu hồi chủ trương đã cho TCT Bình Dương chuyển nhượng 30% vốn góp tại Tân Phú”.
Hàng loạt câu hỏi trong vụ án
Lý do Tỉnh ủy Bình Dương đưa ra quyết định thu hồi dự án được nêu trong Thông báo số 512 ngày 10/10/2018 với nội dung: “Qua những lần lãnh đạo Tổng Công ty SX-XNK Bình Dương TNHH MTV báo cáo trực tiếp Thường trực Tỉnh ủy và trong Công văn số 101 ngày 10/10/2018 của Công ty vê việc xin điều chỉnh chi tiết phương án sử dụng đất có thể hiện việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất mà không phải góp vốn bằng tiền”.
Với lý do trên, dư luận đặt câu hỏi Tỉnh ủy Bình Dương không biết hay đã cố tình phớt lờ các văn bản do chính mình ban hành trước đó, cũng như các công văn báo cáo của TCT Bình Dương gửi Tỉnh ủy.
Cụ thể là tại Công văn số 477 ngày 29/8/2016, Tỉnh ủy Bình Dương đã “đồng ý không chuyển giao khu đất 430.000,3m2 cho Công ty TNHH MTV Đầu tư và Quản lý Dự án Bình Dương, để Tổng Cty sản xuất-XNK Bình Dương-TNHH MTV tiếp tục thực hiện chủ trương tại Công văn số 1830 ngày 17/8/2010 của thường trực Tỉnh ủy.
Còn tại Thông báo số 287 ngày 20/4/2017, Tỉnh ủy Bình Dương đã đồng ý chủ trương cho TCT Bình Dương được chuyển nhượng 30% vốn góp tại Công ty Tân Phú cho Công ty Âu Lạc, đồng thời yêu cầu TCT Bình Dương phải thuê đơn vị tư vấn độc lập thẩm định giá đất làm cơ sở đàm phán ký hợp đồng chuyển nhượng… Thử hỏi nếu như việc chuyển nhượng 30% vốn góp bằng tiền thì Tỉnh ủy Bình Dương yêu cầu thẩm định giá đất làm gì?.
Điều đáng bàn hơn, tại thông báo ngày 24/8/2018 của Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương đã kết luận đánh giá “quá trình chuyển nhượng 43ha đất và 30% vốn góp tại Công ty tân Phú là phù hợp với quy định pháp luật, tình hình thực tế và có tình, có lý”.
Như vậy, có thể thấy việc TCT Bình Dương góp vốn bằng quyền sử dụng đất cũng như chuyển nhượng dự án đều được thông qua Tỉnh ủy Bình Dương. Việc này Tỉnh ủy Bình Dương biết chứ không thể không biết.
Có thể thấy giao dịch chuyển QSDĐ, giao dịch chuyển nhượng vốn góp đều đã hoàn tất thủ tục pháp lý. UBND tỉnh Bình Dương đã có quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án. Theo luật, những giá trị pháp trong quyết định này được bảo đảm.
Mặt khác, trả lời Quyết định Trưng cầu giám định tư pháp số: 96/C46-P12 Của C46 (nay là C03) Bộ Công an, ngày 14/7/2017 Giám định viên tư pháp, Bộ Tài chính đã kết luận: “Đối với Công ty SX-XNK Bình Dương (nay là Tổng công ty SX-XNK Bình Dương) là doanh nghiệp làm kinh tế do Tỉnh uỷ Sông Bé (nay là Tỉnh uỷ Bình Dương) làm chủ sở hữu 100% vốn điều lệ (ngân sách Đảng) không phải là doanh nghiệp do nhà nước làm chủ sở hữu vốn.
Cuối năm 2019, Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố vụ án “vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” liên quan dự án. Đến ngày 8/4/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố bị can, bắt tạm giam bốn tháng đối với ông Nguyễn Văn Minh và ông Trần Nguyên Vũ. Điều này khiến dư luận không khỏi băn khoăn về việc các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương xử lý vụ việc trên, và với những bằng chứng rõ ràng liên quan đến góp vốn cũng như chuyển nhượng dự án, liệu lãnh đạo Tỉnh ủy Bình Dương có “vô can” trong vụ án này?.
Trang Nguyễn