Ngày 7/8, thế giới có 136 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca Covid-19 mới; 85 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. Nhiều nước ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày tăng cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, xu thế đại dịch bùng phát trở lại đang rõ ràng hơn.
Trong 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với Covid-19 nhiều nhất thế giới có Ấn Độ (61.455 ca), Mỹ (54.547 ca) và Brazil (44.880 ca); trong khi đó Mỹ (1.076 ca) và Ấn Độ (940 ca) và Brazil (928 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất.
Châu Mỹ hiện là tâm dịch nghiêm trọng nhất thế giới
Khu vực Mỹ Latinh trở thành khu vực ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 cao nhất, chiếm gần 30% số ca tử vong trên thế giới. Dịch đang lây lan mạnh tại các nước như Colombia, Peru, Argentina và Bolivia.
Hiện số ca mắc và tử vong do Covid-19 tại Mỹ Latinh tiếp tục tăng mạnh sau khi nhiều chính phủ nhiều nước bắt đầu nới lỏng các biện pháp kiểm soát và phong tỏa nhằm vực dậy nền kinh tế đang rơi vào khủng hoảng.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất với hơn 5.036.079 ca mắc bệnh và 162.859 ca tử vong. Viện Đánh giá và tham số y tế (IHME) của Đại học Washington dự báo số ca tử vong ở nước này có thể lên tới gần 300.000 ca vào ngày 1/12, và 70.000 người sẽ được cứu sống nếu người dân chú ý đeo khẩu trang.
Tại Brazil, Tổng thống Jair Bolsonaro đã ban hành sắc lệnh yêu cầu dành 356 triệu USD để mua và tiến tới sản xuất vaccine phòng bệnh Covid-19 đang được hãng dược phẩm AstraZeneca PLC (Anh) và các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Oxford phối hợp phát triển. Có khả năng người dân Brazil sẽ được cung cấp vaccine vào tháng 12/2020 hoặc tháng 1/2021.
Châu Âu bùng phát làn sóng Covid-19 thứ 2
Tại châu Âu, do tình trạng bùng phát làn sóng Covid-19 thứ hai, nhiều nước đã áp đặt các biện pháp siết chặt mới.
Đức là quốc gia mới nhất đưa ra yêu cầu xét nghiệm đối với du khách trở về từ các khu vực bị xem là có nguy cơ, gồm các nước ngoài Liên minh châu Âu (EU), và một số tỉnh tại Bỉ và Tây Ban Nha. Biện pháp này sẽ được áp dụng từ ngày 8/8 do các giới chức Đức quan ngại nguy cơ số ca mắc mới gia tăng trong thời gian nghỉ Hè và các ổ dịch bùng phát trong nước.
Tương tự, nước láng giềng Áo cùng ngày thông báo sẽ ban hành lệnh cảnh báo đi lại đối với Tây Ban Nha đại lục trong bối cảnh gia tăng các ca lây nhiễm mới tại nước này. Theo đó, những người trở về từ Tây Ban Nha đại lục phải trình xét nghiệm mới nhất chứng minh âm tính với virus SARS-CoV-2, hoặc phải cách ly 14 ngày theo quy định. Biện pháp mới không phải áp dụng đối với những người từ các vùng lãnh thổ khác của Tây Ban Nha như Balearic hay Quần đảo Canary.
Anh đã tái áp đặt biện pháp cách ly đối với những người từ Bỉ, Andorra và Bahamas do số ca lây nhiễm mới gia tăng tại những khu vực này. Cụ thể, bắt đầu từ 4h ngày 8/8 (theo giờ địa phương), những người từ các khu vực nói trên nhập cảnh vào Anh phải tự cách ly trong 2 tuần.
Tại Nga, một thông tin mang tới nhiều hy vọng đó là nước này sắp trình làng vaccine đầu tiên phòng COVID-19. Phát biểu trước báo giới khi dự sự kiện khai trương một trung tâm điều trị bệnh ung thư ở thành phố Ufa ngày 7/8, ông Gridnev cho biết, tại thời điểm hiện nay, mẫu vaccine của Nga đang được thử nghiệm ở giai đoạn 3, giai đoạn cuối cùng của thử nghiệm lâm sàng.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm Covid-19 tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 31/7/2020 (Ảnh: THX/ TTXVN)
Tại châu Á tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp
Trong khi đó, tại nhiều quốc gia ở châu Á, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Ngày 7/8, Ấn Độ thông báo ghi nhận khoảng 2.027.000 ca mắc Covid-19 sau khi số ca nhiễm mới tăng cao kỷ lục trong 24 giờ qua với 62.538 ca. Tổng số ca tử vong vì căn bệnh này tại nước này là 41.585 sau khi có thêm 886 ca tử vong trong 24 giờ qua.
Hiện, Ấn Độ là nước đứng thứ 3 trên thế giới về số ca nhiễm sau Mỹ và Brazil.
Còn tại Nhật Bản, với 1.580 ca nhiễm mới, ngày 7/8 đã ghi nhận số ca nhiễm cao nhất từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở nước này vào giữa tháng 1. Các địa phương có số ca nhiễm mới cao là Tokyo, Osaka, Aichi, Fukuoka và Okinawa.
Tính tới thời điểm hiện tại, ASEAN ghi nhận 6.174 ca mắc tại 8 quốc gia và 96 ca tử vong tại hai quốc gia. Brunei có thêm một ca mắc mới sau nhiều ngày không ghi nhận ca mắc.
Nước có số ca mắc nhiều nhất trong 24 giờ qua vẫn là Philippines với 3.379 ca. Đứng thứ hai ASEAN về ca mắc mới trong ngày 7/8 là Indonesia với 2.473 ca. Tiếp đó là Singapore với 242 ca.
Bộ Y tế Philippines ghi nhận thêm 3.379 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên 122.754, trong đó có 2.168 ca tử vong.
Số ca mắc tại Philippines đã tăng gần 7 lần trong khi số ca tử vong tăng hơn 2 lần kể từ khi lệnh phong tỏa nghiêm ngặt được dỡ bỏ vào tháng 6 năm nay. Trước tình hình này, đầu tuần qua, Tổng thống Rodrigo Duterte đã tuyên bố tái áp đặt lệnh phong tỏa tại thủ đô Manila và các khu vực lân cận.
Tình hình dịch Covid-19 tại Malaysia vẫn diễn biến phức tạp. Ngày 7/8, quốc gia Đông Nam Á đã ghi nhận 25 ca nhiễm bệnh. Malaysia đã ghi nhận tổng cộng 9.063 ca nhiễm bệnh bao gồm 125 trường hợp tử vong.
Trang Nguyễn