Với diễn biến giảm điểm chủ yếu trong tuần trước, VN-Index chịu áp lực giảm điểm ngay từ đầu phiên 23/10, áp lực bán áp đảo duy trì trong cả phiên, thanh khoản suy giảm. VN-Index kết phiên giao dịch ngày 23/10 giảm 14,50 điểm (-1,31%), về mức 1.093,53 điểm.
Thanh khoản trên hai sàn chỉ có 13.456,45 tỷ đồng được giao dịch, giảm so với phiên trước, chỉ đạt khoảng 65% so với mức trung bình cho thấy tâm lý thị trường kém tích cực, nhiều mã thanh khoản suy giảm mạnh khi nhà đầu tư cá nhân giảm mạnh giao dịch. Với diễn biến kém tích cực của thị trường chung, hầu hết các mã, nhóm điều chịu áp lực điều chỉnh, nhiều nhóm mã luân phiên chịu lực bán mạnh như bán lẻ, hóa chất, thủy sản, cảng vận tải biển. Các cổ phiếu dịch vụ tài chính, chứng khoán đa số cũng chịu áp lực điều chỉnh mạnh với tâm lý e ngại tỉ lệ đòn bẩy tăng khi thông tin dư nợ margin tiếp tục tăng lên gần 165.000 tỷ đồng trong cuối quý 3 trong khi điểm số VN-Index hầu như không đổi so với cuối quý 2.
Sang phiên giao dịch chứng khoán 24/10, sau ít phút le lói sắc xanh nhờ lực cầu bắt đáy túc tắc hoạt động, áp lực bán đã quay trở lại khiến bảng điện tử bị sắc đỏ lấn át, cũng như nhóm bluechip phân hóa khiến VN-Index giảm về dưới tham chiếu từ mức điểm gần 1.100 điểm sau hơn 1 giờ giao dịch.
Thanh khoản đang rất yếu khi nhà đầu tư thận trọng cao trước diễn biến khó lường, trồi sụt mạnh của thị trường gần đây. Các nhóm ngành cổ phiếu theo đó gần như ít biến động, ngoại trừ một vài cái tên ở nhóm bất động sản, hóa chất, vận tải như DPM, DCM, VOS, QCG, TLD chịu sức ép gia tăng. Trong khi đó, cổ phiếu VNE tiếp tục nằm sàn -7% xuống 6.950 đồng, khớp chỉ hơn 60.000 đơn vị và còn dư bán giá sàn hơn 5,3 triệu đơn vị.
Ở chiều ngược lại, hai cổ phiếu CCI và BKG ngược dòng thị trường khi sớm tăng kịch trần, nhưng thanh khoản khớp lệnh rất thấp.
Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), VN-Index tiếp tục giao dịch bên dưới ngưỡng hỗ trợ 1.100 điểm, tương ứng đáy của đợt điều chỉnh trước và trở lại trên nền tảng tích lũy dài hạn trước đây. Xét dưới góc nhìn ngắn hạn, khả năng hình thành nhịp hồi theo đáy W là khá thấp (vẫn có thể xảy ra nếu VN-Index lấy lại ngưỡng 1.100 điểm trong các phiên tới). Giai đoạn hiện tại, rủi ro ngắn hạn là khá cao bởi VN-Index đã mất xu hướng uptrend nên các nhịp hồi kỹ thuật nếu xảy ra cũng thường kết thúc bất ngờ khó dự báo.
“Thị trường có nguy cơ không test đáy thành công và phải đi tìm khu vực cân bằng ở vùng điểm số thấp hơn, nhà đầu tư ngắn hạn chưa nên tham gia chừng nào thị trường chưa có tín hiệu phục hồi. Nhà đầu tư trung, dài hạn có thể tiếp tục nắm giữ danh mục đã mua từ đầu sóng, chờ thị trường tích lũy ổn định trở lại”, chuyên gia của SHS nhận định.
Minh An(t/h)