Sự kiện được tổ chức với mong muốn tạo cầu nối giữa các chuyên gia, các ban ngành để cùng nhau chia sẻ, hiến kế giúp ngành công nghiệp điện tử tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Bên cạnh đó, đề ra những giải pháp, tận dụng những lợi thế mà xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng mang lại.

Trong khuôn khổ sự kiện, Ban Tổ chức tổ chức tọa đàm bàn tròn “Giải pháp để doanh nghiệp phát triển và cạnh tranh đường dài trong chuỗi cung ứng”.

Các diễn giả tham gia diễn đàn sẽ giới thiệu tổng quan về ngành điện tử trong nước, phân tích những tác động từ cơ chế, chính sách đến sự phát triển của ngành điện tử; nhu cầu triển vọng và xu hướng chọn lựa nhà cung cấp/gia công của các nước lớn trên thế giới.

Bên cạnh đó, giới quản lý cùng chuyên gia sẽ đề xuất về những hướng đi cho doanh nghiệp để phát triển và cạnh tranh đường dài trong chuỗi cung ứng; phân tích yêu cầu và nhu cầu của các “ông lớn” công nghệ đối với đối tác trong nước. Những khuyến nghị về tháo gỡ khó khăn, giải pháp cho chất lượng phòng sạch trong công nghiệp điện tử và linh kiện tử cũng sẽ được bàn thảo.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Tác động của đại dịch Covid-19, cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine và chính sách Zero-Covid của Trung Quốc đã khiến giá nhiên, nguyên liệu trên toàn cầu tăng cao, chuỗi cung ứng sản xuất linh kiện bị gián đoạn. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, nhất là ngành công nghiệp sản xuất linh kiện điện tử.

Việc thiếu hụt nguyên vật liệu sản xuất linh kiện đã khiến các doanh nghiệp điện tử Việt Nam phải cắt giảm sản lượng. Cụ thể, trong tháng Năm, sản lượng đã giảm 20% so với tháng trước đó. Bên cạnh đó, ngành sản xuất công nghiệp điện tử còn đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động, nhất là lao động có tay nghề trình độ cao.

Mặc dù vậy, ngành công nghiệp điện tử cũng có những điểm sáng trong thời kỳ này, như việc được hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng, các hãng lớn đã và đang dịch chuyển nhà máy, chuỗi sản xuất từ Trung Quốc sang các nước xung quanh, trong đó có Việt Nam.

Anh Minh