Phát huy lợi thế cực tăng trưởng năng động của cả nước

Các vùng kinh tế trọng điểm là những cực tăng trưởng quan trọng, giữ vai trò đầu tàu của nền kinh tế. Nổi bật là vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong giai đoạn 2011 - 2019, quy mô GRDP của 2 vùng chiếm tỷ trọng hơn 61% trong GDP.

Ảnh minh họa, nguồn internet
Ảnh minh họa, nguồn internet.

Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh với giao thông phát triển đang tạo ra “tam giác vàng” phát triển về nhiều mặt tạo nên cực tăng trưởng rất năng động của cả nước.

Năm 2021, trong bối cảnh phải đối mặt với những thách thức to lớn từ đại dịch Covid-19, tuy nhiên, càng trong khó khăn, bản lĩnh vững vàng càng tỏ rõ, nhiều địa phương vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và đặc biệt là tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh đã ứng phó kịp thời, hiệu quả với đại dịch, biến “nguy” thành “cơ”, phát huy tư duy phát triển đột phá, tận dụng tốt cơ hội tăng tốc phát triển.

Để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, đổi mới, sáng tạo và tăng cường liên kết, phát triển vùng kinh tế trọng điểm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phát triển vùng kinh tế trọng điểm; Chỉ thị số 25/CT-TTg về các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ...

Mới đây, ngày 21/04/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 57/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế - xã hội..., xác định các tỉnh, thành phố trong vùng kinh tế trọng điểm phải luôn đi đầu, giữ vai trò “hạt nhân phát triển” của nền kinh tế quốc gia.

Đối với Hải Phòng, mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu trở thành trọng điểm kinh tế biển của cả nước, trung tâm dịch vụ logistics quốc tế hiện đại bằng cả đường biển, đường hàng không, đường bộ cao tốc...

Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch số 16/KH-UBND ngày 18/01/2022 về phát triển bền vững kinh tế biển tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh trở thành một trong các tỉnh dẫn đầu về kinh tế biển của cả nước, trở thành trung tâm kinh tế biển, là cửa ngõ, động lực phát triển tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Với những lợi thế đã và đang có, đặc biệt là môi trường đầu tư, cơ sở hạ tầng, giao thông đường bộ, sân bay quốc tế và hệ thống cảng biển lớn, Hải Phòng, Quảng Ninh đều có vị trí chiến lược và tiềm năng nổi bật về phát triển kinh tế biển và đã có những chuyển động tích cực nhằm đưa kinh tế cảng biển phát triển bứt phá hơn, tạo động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các tỉnh vùng Đông Bắc Bộ trong dài hạn.

Giải pháp đột phá khơi thông nguồn lực phát triển

Nhằm tạo ra một diễn đàn sôi nổi để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý cùng thảo luận xung quanh vấn đề này, qua đó gợi mở những giải pháp, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đặc biệt là tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Thời báo Tài chính Việt Nam phối hợp với các bên liên quan tổ chức Diễn đàn kinh tế 2022 với chủ đề: “Tạo đột phá, phát huy nguồn lực phát triển vùng Đông Bắc Bộ”.

Diễn đàn sẽ có 2 phiên thảo luận về: Phát triển vùng Đông Bắc Bộ nhìn từ trục tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; và Giải pháp tạo đột phá, huy động mạnh mẽ các nguồn lực cho phát triển vùng Đông Bắc Bộ và “tam giác vàng” phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Phiên 1, sẽ thảo luận mở với các vấn đề trọng tâm, như: Các lợi thế và những tồn tại, hạn chế hiện nay của trục tăng trưởng kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; phát triển hoạt động cảng biển, dịch vụ logistics tương xứng với tiềm năng, vị thế cực tăng trưởng toàn diện phía Bắc của Quảng Ninh, Hải Phòng.

Ngoài ra, thảo luân về nhận diện các điểm nghẽn như: Kết nối hạ tầng giữa các địa phương; cơ sở hạ tầng giao thông, các khu công nghiệp chưa phát triển đồng bộ với hệ thống cảng biển; việc thu phí sử dụng hạ tầng cảng biển nhằm đảm bảo tính cạnh tranh và khả năng phục hồi của doanh nghiệp sau đại dịch...

Tại phiên thảo luận thứ 2 sẽ bàn về các Giải pháp tạo đột phá, huy động mạnh mẽ các nguồn lực cho phát triển vùng Đông Bắc Bộ và “tam giác vàng” phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Theo đó, thảo luận và chia sẻ kinh nghiệm về giải pháp đột phá để khơi thông nguồn lực đầu tư từ xã hội tạo động lực mới để “tam giác vàng” phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh bứt phá phát triển sau đại dịch; giải pháp đột phá để phát triển vận tải biển và dịch vụ logistics với hạ tầng giao thông, dịch vụ đa dạng của Hải Phòng và Quảng Ninh; xây dựng các chính sách phù hợp đưa kinh tế cảng biển phát triển bứt phá hơn, tạo động lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại Hải Phòng, Quảng Ninh trong dài hạn.

Minh An (T/h)