Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã lập đoàn công tác kiểm tra và tổ chức đi kiểm tra thực tế việc ghi chỉ số, lập hóa đơn tiền điện và giải quyết kiến nghị của khách hàng trong những tháng đầu năm 2020, tại các tỉnh thành phía Nam.
Chủ yếu thắc mắc về điện sinh hoạt
Theo đó, trong hai ngày 2 và 3-7, Đoàn kiểm tra gồm lãnh đạo EVN, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghê), Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) và Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã làm việc tại Tổng Công ty Điện lực miền Nam ( EVN SPC) và Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai; đi kiểm tra thực tế về tình hình sử dụng điện.
Sáng 2-7, sau buổi làm việc với Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai, đoàn kiểm tra đã đến kiểm tra ngẫu nhiên một số hộ dân sử dụng điện sinh hoạt, kinh doanh tại tỉnh Đồng Nai; làm việc với Công ty CP Cơ điện - đơn vị thực hiện công tác kiểm định công tơ và các thiết bị đo đếm ở địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Đoàn công tác làm việc tại Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai
Đoàn đến kiểm tra nhà chị Hà Thị Nữ, chủ quán cà phê ở phường Thống Nhất, TP Biên Hòa. Chị Nữ phản ánh nhà chị có hóa đơn tiền điện tăng đột biến từ hơn 2,5 triệu đồng lên hơn 10 triệu đồng/tháng. Gia đình chi lo lắng vì hóa đơn tiền điện tăng cao bất thường. Chị gọi đến đường dây nóng của Trung tâm Chăm sóc khách hàng EVN SPC. Ngay lập tức, thông tin được chuyển đến Điện lực Đồng Nai để cắt cử nhân viên xuống kiểm tra đồng hồ, đo các thiết bị điện đang sử dụng trong quán cà phê của gia đình chị Nữ.
Qua kiểm tra, Điện lực Đồng Nai kết luận đồng hồ chuẩn xác; đồng thời tư vấn cho chị nên làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng điện từ sinh hoạt sang điện kinh doanh để tránh lũy kế bậc thang 6 mức giá. Một nguyên nhân nữa khiến hóa đơn tiền điện của hộ chị Nữ tăng là do tháng trước, nhà chị trong giai đoạn sửa chữa, còn tháng vừa qua khai trương quán nên nhu cầu sử dụng điện trong gia đình tăng đột biến. "Chúng tôi cũng muốn ngành điện xuống kiểm tra đồng hồ điện một cách chính xác, chứ tháng rồi chúng tôi bắt đầu kinh doanh nên sử dụng điện nhiều hơn so với lúc mình chưa kinh doanh. Do đó, chúng tôi đã làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng điện sinh hoạt sang kinh doanh để được tính theo giá điện kinh doanh, có lẽ sẽ có lợi hơn" - chị Nữ chia sẻ.
Tại buổi làm việc với Công ty TNHH MTV Điện lực Đồng Nai, ông Trương Đình Quốc, Phó giám đốc công ty, cho biết từ tháng 4 đến tháng 6 vừa qua, công ty đã tiếp nhận 14.867 kiến nghị của khách hàng về chỉ số, hóa đơn tiền điện, tra cứu giá điện mới... Phần lớn kiến nghị là từ khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, được Điện lực Đồng Nai kiểm tra, giải quyết kịp thời.
Theo ông Nguyễn Văn Lý, Phó tổng giám đốc EVN SPC, trong các tháng nắng nóng vừa qua, từ tháng 4 đến tháng 6, Trung tâm Chăm sóc khách hàng EVN SPC đã tiếp nhận 74.330 các yêu cầu của khách hàng về tra cứu giá điện mới, tra cứu chỉ số, hóa đơn… Phần lớn kiến nghị cũng đến từ khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, chủ yếu thắc mắc về chỉ số, hóa đơn tiền điện. Kết quả sau khi kiểm tra, xác minh, ngành điện đã điều chỉnh kịp thời tiền điện cho 195 khách hàng, chiếm tỉ lệ 0,34%. Nguyên nhân chủ yếu của việc điều chỉnh hóa đơn tiền điện là do khách hàng vắng nhà, nhân viên ghi chỉ số tạm tính bằng số tháng trước liền kề. Các trường hợp này rơi vào khách hàng sử dụng công tơ cơ, còn đối với công tơ điện tử thì ngành điện đã có thiết bị bán tự động để thu thập dữ liệu khi khách hàng vắng nhà hoặc đo xa.
Luôn vì quyền lợi khách hàng
Tính đến tháng 6-2020, EVN SPC quản lý 8.448.793 công tơ bán điện trên địa bàn 21 tỉnh, thành phía Nam, trong đó có 3.484.851 công tơ điện tử, chiếm 41,24%. Theo ông Nguyễn Văn Lý, đối với khách hàng đang sử dụng công tơ cơ, sắp tới đây, ngành điện cố gắng từng bước thay thế dần bằng công tơ điện tử. Bên cạnh đó, EVN SPC áp dụng nhiều công nghệ thu thập dữ liệu từ việc ghi chỉ số điện tự động, bán tự động nhằm hạn chế sai sót, bảo đảm quyền lợi cho khách hàng. Việc ghi chỉ số bán lẻ điện năng, ngành điện thuê Smartphone của dịch vụ bán lẻ điện năng, quản lý phần mềm cài đặt lên Smartphone và cung cấp máy in cầm tay cho nhân viên ghi điện. Sau khi nhân viên ghi điện ghi chỉ số và gửi thông báo ngay cho khách hàng tại thời điểm ghi để khách hàng kiểm tra được chỉ số điện thực tế; đồng thời cảnh báo đến khách hàng khi sử dụng điện tăng hoặc giảm từ 30% trở lên.
Nhân viên Điện lưc Đồng Nai giải đáp thắc mắc của khách hàng khi hóa đơn tiền tăng vào những ngày nắng nóng
Đối với việc đo điện từ xa, thông tin được chuyển tải lên website và nhắn tin SMS để khách hàng giám sát ngay được chỉ số sử dụng điện. Nếu trong quá trình ghi xa mà dữ liệu chưa được truyền về trung tâm do đường truyền dữ liệu bị gián đoạn thì nhân viên liên hệ với khách hàng để ghi chỉ số trong vòng vài giờ và không để qua ngày hôm sau, tránh gây thiệt thòi cho khách hàng.
Về việc này, ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng Ban Kinh doanh của EVN, lưu ý nếu vì lý do bất khả kháng phải xê dịch ngày ghi chỉ số 2-3 ngày, điện lực vẫn có phương thức tính toán bình quân số ngày để không thay đổi quyền lợi của khách hàng.
Về chất lượng công tơ điện, EVN SPC khẳng định thiết bị này được tổng công ty quản lý chặt chẽ và được triển khai xuyên suốt từ giai đoạn mua cho đến suốt dòng đời thiết bị. Công tơ mua sắm phải được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phê duyệt mẫu và được Tổ chức kiểm định độc lập Quatest lấy mẫu kiểm định, có chứng thư về về chất lượng công tơ cho lô hàng. Từng công tơ phải được kiểm định ban đầu bởi các đơn vị kiểm định được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chứng nhận năng lực kiểm định. Khi công tơ vận hành trên lưới, ngành điện tổ chức giám sát chặt chẽ, lập kế hoạch kiểm tra định kỳ. Bên cạnh đó, tổ chức giám sát vận hành công tơ bằng thiết bị thu thập dữ liệu từ xa để phát hiện tình trạng đo đếm bất thường hằng ngày. Tất cả các công tơ có sản lượng điện biến động bất thường từ 30% trở lên đều được lập kế hoạch kiểm tra, phúc tra chỉ số nhằm bảo đảm quyền lợi cho khách hàng sử dụng điện./.
Mạnh Thắng