Vi phạm an toàn hành lang lưới điện
Những năm gần đây, hành lang lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh Ninh Bình vẫn bị xâm phạm, gây sự cố lưới điện và gây nên tổn thất điện năng. Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26/2/2014 của Chính phủ đã quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện, tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều tổ chức, hộ gia đình ngang nhiên vi phạm các quy định.
Các vi phạm chủ yếu về khoảng cách an toàn như: Trồng cây trong khu vực hành lang lưới điện, xây dựng các công trình hoặc các phần của công trình quá gần đường dây… Những vi phạm này làm tăng nguy cơ mất an toàn về điện, gây hậu quả khôn lường khi xảy ra sự cố lưới điện và ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh cũng như sức khỏe tính mạng của người dân.
Mặc dù nguy hiểm như vậy nhưng nhiều người dân, công nhân thi công tại nhiều công trình vẫn chủ quan lơ là, vi phạm khoảng cách an toàn hành lang lưới điện. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình liên tục xảy ra 3 vụ vi phạm an toàn hành lang lưới điện. Điển hình như cuối tháng 2 đã xảy ra 1 vụ vi phạm tại phường Ninh Phong, thành phố Ninh Bình. Nguyên nhân là do trong quá trình thi công Dự án Xây dựng cơ sở hạ tầng tây Lý Nhân Tông, công nhân điều khiển máy xúc đã vi phạm khoảng cách an toàn lưới điện dẫn đến hiện tượng phóng điện, rất may không gây thiệt hại về người nhưng đã gây mất điện toàn lộ. Ngay sau khi sự việc xảy ra, Công ty Điện lực Ninh Bình đã cử đơn vị liên quan đến hiện trường, xử lý, khắc phục sự cố và cấp điện lại.
Theo anh Đỗ Thành Trung, Đội trưởng Đội Quản lý vận hành lưới điện cao thế Ninh Bình, Công ty TNHH Một thành viên Điện lực Ninh Bình, trên thực tế hiện nay có rất nhiều công trình được thi công dưới đường điện 110kV nhưng không đảm bảo khoảng cách an toàn trong hành lang bảo vệ đường dây gây ra hiện tượng phóng điện, đứt đường dây làm tăng nguy cơ bị điện giật, cháy, chập đường dây. Mặc dù đã được ngành điện và chính quyền địa phương tuyên truyền và xử phạt nhưng đa số công nhân tại các công trình, dự án và người dân vẫn chủ quan, coi thường tính mạng.
Thực tế cho thấy, các vi phạm hành lang lưới điện vẫn diễn ra là do địa phương còn buông lỏng công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, để người dân xây dựng công trình trên đất nông nghiệp hoặc lấn chiếm đất công nằm trong hành lang an toàn giao thông đường bộ. Thậm chí, một số nơi còn cấp đất cho nhân dân ngay dưới đường dây cao áp nên khi xây dựng công trình cao tầng đã dẫn đến vi phạm. Ngoài ra, ý thức của người dân hạn chế, cố tình vi phạm, gây khó khăn cho công tác xử lý. Năm 2020, ngành điện đã phối hợp với các cấp chính quyền xử phạt hành chính 7 trường hợp vi phạm an toàn hành lang lưới điện cao thế với tổng số tiền phạt là 82 triệu đồng.
Ông Nguyễn Xuân Lân, Trưởng phòng An toàn, Công ty TNHH Một thành viên Điện lực Ninh Bình cho biết, thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình rất may chưa xảy ra vụ thương vong nào do vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Tuy nhiên hiện tại, rất nhiều công trình, dự án đang được triển khai tiềm ẩn nhiều nguy cơ vi phạm về khoảng cách pha đất. Do đó, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, ngành chức năng trong việc chỉ đạo, quán triệt nâng cao nhận thức người dân nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn trên địa bàn tỉnh.
Đảm bảo cung cấp điện an toàn
Để đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định và hạn chế tối đa các sự cố về điện, thời gian qua, Công ty TNHH Một thành viên Điện lực Ninh Bình đã có nhiều nỗ lực trong việc tuyên truyền, vận động người dân, tổ chức, doanh nghiệp về các biện pháp đảm bảo an toàn khi xây dựng công trình dân dụng gần hành lang bảo vệ an toàn lưới điện với nhiều hình thức đa dạng.
Qua đó, nâng cao ý thức của người dân về đảm bảo khoảng cách an toàn với lưới điện, cũng như cảnh báo nguy cơ có thể xảy ra mất an toàn cho người dân, công nhân làm việc tại các công trình xây dựng gần đường dây để người dân chung sức với ngành điện bảo vệ an toàn hành lang an toàn lưới điện cao áp.
Bên cạnh đó, ngành điện còn tăng cường tổ chức các đợt kiểm tra đường dây, tổ chức sửa chữa nâng cấp cột điện, chặt tỉa cành, cây cối trong và ngoài hành lang lưới điện. Đồng thời, cắm biển cảnh báo, khoanh vùng nguy hiểm nhất là tại các điểm xảy ra vi phạm. Đặc biệt là triển khai nhiều hình thức tuyên truyền, vận động người dân và các tổ chức nơi có lưới điện cao áp đi qua bằng việc phát tờ rơi, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, thường xuyên tổ chức kiểm tra và phát quang cây cối nằm trong hành lang an toàn, cũng như chặt, tỉa các cây ngoài hành lang an toàn nhưng khi ngã đổ có khả năng va vẹt vào đường dây, làm phóng điện, gây sự cố lưới điện…
Ông Nguyễn Văn Thường, xã Gia Vân, huyện Gia Viễn cho biết: “Sau khi được ngành điện tuyên truyền, tôi mới thấy được hậu quả khôn lường của việc vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Qua đây tôi cũng sẽ tuyên truyền và hướng dẫn lại cho con cháu trong nhà và bà con quanh xóm nâng cao ý thức trong việc chấp hành những khuyến cáo mà ngành điện đã đưa ra”.
Hiện nay, Công ty TNHH Một thành viên Điện lực Ninh Bình đang quản lý vận hành lưới điện 110kV trên địa bàn tỉnh với tổng chiều dài đường dây trên 200 km. Để đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục, ngoài việc nỗ lực trong công tác quản lý vận hành của ngành điện thì cần có sự hỗ trợ của người dân và tổ chức, chính quyền địa phương nơi có lưới điện 110kV đi qua, đặc biệt là trong công tác bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp.
Ông Nguyễn Xuân Lân cho hay, để giảm thiểu hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hành lang an toàn lưới điện cao áp, tăng cường công tác quản lý, bảo vệ lưới điện, đảm bảo an toàn cho người và tài sản của Nhà nước và nhân dân, thời gian tới, Công ty Điện lực Ninh Bình sẽ thường xuyên kiểm tra, phát hiện, giải quyết kịp thời, triệt để các trường hợp vi phạm, có nguy cơ gây sự cố. Đồng thời, phối hợp với ngành chức năng cùng các cấp chính quyền địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền bảo vệ an toàn hành lang lưới điện cao áp cho các hộ dân đang sinh sống và kinh doanh dọc theo các tuyến đường dây điện cao áp đi qua, đặc biệt là bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp 110kV.
Qua đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong phòng tránh các nguy cơ mất an toàn từ điện, hạn chế tối đa các tai nạn cũng như những thiệt hại, nhằm đảm bảo cung cấp điện an toàn, liên tục, phục vụ tốt cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Vũ Thủy