Cụ thể, ngày 3/4, sản lượng tiêu thụ đạt 95,12 triệu kWh, ngày 4/4 đạt 95,17 triệu kWh, ngày 5/4 đạt 96,89 triệu kWh. Trong khi đó, ngày tiêu thụ điện cao nhất của năm 2023 chỉ là 94,8 triệu kWh (ngày 6/5/2023).
Dự báo, trong những ngày tiếp theo của tháng 4, nhiệt độ tại TP. Hồ Chí Minh và khu vực miền Nam còn nắng nóng kéo dài. Nhiệt độ bình quân khoảng 36 - 38 độ C, nhiệt độ thực tế ngoài trời có lúc lên đến 40 - 41 độ C, số giờ nắng nóng trong ngày cũng nhiều hơn, vì vậy sản lượng điện tiêu thụ có thể sẽ tiếp tục tăng cao, dự báo có thể tăng 30% - 40% so với tháng 3.
Theo ông Bùi Trung Kiên, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP. Hồ Chí Minh, thời tiết nắng nóng khiến người dân sử dụng nhiều thiết bị làm mát tăng cao, nhất là máy lạnh, dẫn đến sản lượng điện tăng cao.
Do đó, với các trường hợp sử dụng máy lạnh thường xuyên, khách hàng cần vệ sinh định kỳ ba tháng/lần. Việc vệ sinh máy lạnh thường xuyên không chỉ tiết kiệm điện hiệu quả mà còn tăng tuổi thọ cho máy.
Nhiệt độ máy lạnh luôn để ở mức 26 độ C trở lên, nếu cài nền nhiệt quá thấp sẽ gây tiêu hao điện quá lớn. Mỗi khi nhiệt độ bên ngoài tăng dao động 1 độ C, các thiết bị điều hòa nhiệt độ, điển hình là máy lạnh sẽ có thể tăng từ 2% đến 3% hiệu suất tiêu thụ điện dẫn đến tiền điện tăng cao so với trung bình sử dụng của những tháng khác trong năm, ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt trong gia đình.
Ngành điện tiếp tục kêu gọi mọi người, mọi nhà cùng chung tay sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả tại gia đình, tại nơi làm việc như tắt các thiết bị điện khi ra khỏi phòng, cắt hẳn nguồn điện nếu không sử dụng các thiết bị điện, chỉ sử dụng điều hòa nhiệt độ khi thật cần thiết và sử dụng ở chế độ, mức nhiệt độ phù hợp (chế độ làm lạnh từ 26 độ C trở lên), ưu tiên mua sắm các phương tiện, thiết bị điện hiệu suất cao, có dán nhãn năng lượng đạt mức hiệu suất cao, không sử dụng bóng đèn sợi đốt… để đảm bảo nguồn cung cấp điện và hạn chế tăng chi phí sử dụng điện hàng tháng.
Hoàng Bách