Lịch sử gần 100 năm
Ngược dòng lịch sử, SVĐ Hàng Đẫy có tiền thân là bãi bóng Hàng Đẫy được xây dựng vào năm 1937. Tuy nhiên, qui mô nhỏ hẹp, mặt sân gồ ghề, không có hệ thống thoát nước, không nhà vệ sinh, khán đài chỉ vẻn vẹn 400 chỗ ngồi.
Sau Giải phóng Thủ đô (1954), trước yêu cầu phát triển phong trào thể dục thể thao, tăng cường sức khỏe nhân dân Chính phủ đã cho xây dựng SVĐ Hàng Đẫy. Ngày 16/2/1957, SVĐ Hàng Đẫy chính thức được khởi công và khánh thành vào ngày 24/8/1958.
Chủ tịch Tập đoàn T&T Đỗ Quang Hiển – Bầu Hiển (ông bầu của CLB bóng đá Hà Nội) “bật mí” về SVĐ Hàng Đẫy trong tương lai
Ra đời với diện tích 21.844m2 SVĐ Hàng Đẫy có 14 cửa nhỏ, 3 cửa lớn, chính giữa là sân bóng đá, xung quanh có đường chạy điền kinh, có sân bóng chuyền, bóng rổ... Khán đài xây theo hình lòng chảo có 20 bậc chứa xấp xỉ 25.000 chỗ ngồi. Nhiều thập kỷ qua, SVĐ Hàng Đẫy như một “chứng nhân lịch sử” gắn với bao thăng trầm của nền bóng đá nước nhà.
Gần 100 năm lịch sử, SVĐ Hàng Đẫy đã xuống cấp và được sửa chữa nhiều lần, hoàn thiện theo tiêu chuẩn Quốc tế, nâng sức chứa lên hơn 3 vạn chỗ ngồi. Gần đây nhất, năm 2017, SVĐ này được nâng cấp với kinh phí hơn 10 tỷ đồng sau khi thành phố Hà Nội quyết định giao sân bóng này cho CLB bóng đá Hà Nội (thuộc Tập đoàn T&T).
Hơn 7.000 tỷ đồng- quần thể thể thao, văn hóa, dịch vụ
Mới đây, Chủ tịch Tập đoàn T&T Đỗ Quang Hiển (ông bầu của CLB bóng đá Hà Nội) đã ký thỏa thuận hợp tác trị giá hơn 7.000 tỷ đồng với Tập đoàn Bouygues để nâng cấp SVĐ Hàng Đẫy. Dự kiến công trình được xây dựng trong 3 năm từ 2019-2021.
Trao đổi với PV TH&CL bầu Hiển cho biết, SVĐ Hàng Đẫy sẽ được xây mới bởi sân cũ đã xuống cấp nghiêm trọng. Theo thiết kế sân Hàng Đẫy trong tương lai có tổng diện tích 3ha (mở rộng ra hướng đường Cát Linh, Trịnh Hoài Đức). Sân thiết kế có 4 tầng hầm, 2 tầng nổi. Sân bóng nằm trên nóc tầng nổi thứ 2. Sức chứa 2 vạn chỗ ngồi; tại 2 tầng nổi có các shop, cửa hàng, rạp chiếu phim, trung tâm tổ chức Hội nghị; trên cùng sát mái che có những phòng doanh nhân (phòng VIP) cho thuê làm văn phòng hoặc căn hộ cho thuê. Hình thức đầu tư xã hội hóa, Nhà nước giao đất cho doanh nghiệp và không thu thuế sử dụng đất, doanh nghiệp đầu tư xây dựng, quản lý vận hành.
Một trong những phối cảnh thiết kế của SVĐ Hàng Đẫy – công trình được đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng
Với mức đầu tư “khổng lồ” thiết kế vô cùng hiện đại SVĐ Hàng Đẫy trong tương lai sẽ trở thành một khu quần thể thể thao, văn hóa và dịch vụ hàng đầu cả nước. Sân Hàng Đẫy kết nối giao thông với ga tàu đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông thuận tiện phục vụ nhu cầu đi lại của khán giả.
Được biết, Bouygues được thành lập năm 1952, là Tập đoàn công nghiệp đa ngành lớn mạnh hàng đầu tại Pháp. Bouygues hoạt động trên các lĩnh vực xây dựng, truyền thông, viễn thông, giao thông. Thống kê năm 2017 thể hiện Tập đoàn này hoạt động kinh doanh tại 90 quốc gia trên thế giới, tổng doanh thu đạt 32.9 tỷ Euro.
Năm 1972, Tập đoàn Bouygues xây dựng SVĐ Parc des Princes (Công viên các hoàng tử, ở Pháp) rộng 17.000m2 sức chứa 50.000 chỗ ngồi. Đây là SVĐ đầu tiên có thiết bị chiếu sáng được gắn vào mái vòm, thiết kế tuyệt vời không có chỗ ngồi nào cách sân quá 45m giúp khán giả dễ dàng quan sát trận đấu. Ở Việt Nam, Bouygues từng xây dựng các công trình tiêu biểu như cầu Phú Lương (Hải Dương); Trung tâm Hội nghị Quốc tế số 11 Lê Hồng Phong (Ba Đình, Hà Nội).
Ngoài thỏa thuận hợp tác nâng cấp SVĐ Hàng Đẫy Tập đoàn T&T và Tập đoàn Bouygues còn ký hợp tác đầu tư và phát triển dự án đường sắt đô thị số 3 nối trung tâm Hà Nội với thị xã Sơn Tây. Chiều dài tuyến là 31,1km, tổng mức đầu tư khoảng 1,4 tỷ Euro (khoảng 38.000 tỷ đồng).
Đánh giá về sự hợp tác giữa T&T và Bouygues Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sự hợp tác giữa hai tập đoàn hàng đầu của hai quốc gia là biểu tượng tinh thần hợp tác bền chặt giữa hai quốc gia. Đồng thời, cũng là minh chứng cho tiềm năng hợp tác của hai nước trong lĩnh vực kinh tế…
Đăng Trình