Điều chỉnh giảm mức phí kể từ ngày 1/8
Theo thông báo mới nhất của Cảng vụ Đường thủy nội địa TP. Hồ Chí Minh, từ ngày 01/08, cơ quan này sẽ triển khai thu phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn (thu phí hạ tầng cảng biển) theo mức thu mới, được Hội đồng Nhân dân (HĐND) thành phố thông qua đầu tháng 07/2022, với mức giá được điều chỉnh giảm cho một số đối tượng.
Theo đó, mức thu đối với hàng tạm nhập tái xuất, hàng tạm xuất tái nhập, hàng quá cảnh là 50.000 đồng/tấn với hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container, hàng đóng ghép chung container của nhiều chủ hàng; 2,2 triệu đồng/container loại 20ft và 4,4 triệu đồng/container 40ft. Đối với hàng gửi khi ngoại quan, hàng chuyển khẩu được đưa vào khu vực kho bãi thuộc các cảng biển thành phố (không đưa vào kho ngoại quan và khu vực trung chuyển) cũng như hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, áp dụng mức thu 15.000 đồng/tấn cho hàng lỏng, hàng rời không đóng trong container, hàng đóng ghép chung container của nhiều chủ hàng; 250.000 đồng/container 20ft; 500.000 đồng/container 40ft.
Thành phố miễn thu phí đối với hàng hóa nhập khẩu phục vụ trực tiếp cho an ninh, quốc phòng; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để phục vụ đảm bảo an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh; hàng hóa tạm nhập tái xuất, hàng tạm xuất tái nhập, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu, hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu được vận chuyển vào cảng và rời cảng bằng phương tiện thủy nội địa hoạt động trên các tuyến đường thủy, theo hiệp định giữa Việt Nam và Campuchia về vận tải đường thủy.
Riêng đối với hàng tạm nhập tái xuất, hàng tạm xuất tái nhập, hàng gửi kho ngoại quan, hàng quá cảnh, hàng chuyển khẩu, hàng xuất khẩu, hàng nhập khẩu được vận chuyển vào cảng và rời cảng bằng phương tiện thủy nội địa hoạt động trên các tuyến đường thủy không thuộc trường hợp trên, mức phí thu sẽ giảm 50%.
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa TP. Hồ Chí Minh cho biết, tất cả các trường hợp thuộc đối tượng miễn thu phí phải thực hiện kê khai đầy đủ thông tin hàng hóa của tờ khai hải quan lên hệ thống thu phí phục vụ công tác kiểm tra, giám sát thu phí. Để việc thu phí đạt hiệu quả, cảng vụ đề nghị các doanh nghiệp (DN) cảng duy trì trạng thái kết nối hệ thống thực hiện kiểm tra tình trạng nộp phí với hàng hóa qua cảng; nhắc nhở người nộp phí chưa thực hiện nghĩa vụ nộp phí theo quy định.
Mức phí thu phù hợp, đúng quy định
Liên quan đến việc TP. Hồ Chí Minh triển khai thu phí hạ tầng khu vực cảng biển, hồi cuối năm 2020, HĐND TP. Hồ Chí Minh đã thông qua nghị quyết ban hành mức thu phí hạ tầng cảng biển, triển khai từ ngày 01/07/2021. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, HĐND thành phố đã hai lần thông qua nghị quyết lùi thời hạn thu phí và chính thức thu từ 01/04/2022. Từ khi triển khai thu phí, các bộ, ngành, hiệp hội và DN đã có một số ý kiến liên quan đến đối tượng thu phí và mức phí áp dụng khác nhau giữa mở tờ khai trong và ngoài TP. Hồ Chí Minh cần phải điều chỉnh. Do đó, TP. Hồ Chí Minh đã nghiên cứu, sửa đổi theo hướng miễn, giảm mức phí với một số đối tượng như đã nêu, chính thức thực hiện kể từ ngày 01/08 tới.
Tái đầu tư hệ thống giao thông quanh cảng
Với giải pháp thu phí hạ tầng khu vực cảng biển, chính quyền TP. Hồ Chí Minh ước tính mỗi năm sẽ thu được khoảng 3.000 tỷ đồng từ 26 cảng biển trên địa bàn. Toàn bộ số tiền thu được, sau khi trừ đi chi phí vận hành hệ thống, sẽ đầu tư bổ sung cho các dự án cải tạo, tăng cường năng lực, hoàn thiện hệ thống giao thông khu vực quanh cảng.
Theo UBND TP. Hồ Chí Minh, việc thu và mức thu được căn cứ Thông tư số 85/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; đồng thời mức thu của TP. Hồ Chí Minh cũng thấp hơn các tỉnh Lạng Sơn, Tây Ninh, Lào Cai, tương đương với mức thu phí ở Hải Phòng… Mức thu này phù hợp với khả năng đóng góp của người nộp, thuận lợi cho người thu phí và người nộp phí; được xây dựng phù hợp việc sử dụng kết cấu hạ tầng cũng như việc đóng góp các khoản phí, thuế cho ngân sách, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của TP. Hồ Chí Minh.
Thực tế cho thấy, việc thu phí hạ tầng khu vực cảng biển chính là giải pháp kinh tế của TP. Hồ Chí Minh nhằm phát triển hạ tầng giao thông trong bối cảnh hạ tầng giao thông khu vực chưa thể đáp ứng tốt lưu lượng xe ra vào. Các tuyến đường vào khu cảng Cát Lái, cảng Phú Hữu, cảng Hiệp Phước… dù có năng lực thông xe và vận tải lớn, có tính kết nối liên vùng cao nhưng hệ thống giao thông này vẫn chưa được cải tạo hoàn chỉnh, đồng bộ theo quy hoạch. Điều này dẫn đến vận tốc lưu thông của các loại phương tiện trên một số tuyến đường chính ra vào cảng còn chậm, đặc biệt là tại các nút giao thông trong thời điểm lượng hàng hóa tăng hoặc khi có các sự cố xảy ra trên đường.
H.T (t/h)