Theo Ban chỉ đạo 389 tỉnh Long An, hiện nay việc xử lý tang vật vi phạm không xác định chủ sở hữu đang gặp nhiều khó khăn bởi sau 1 năm tạm giữ thì giá trị hàng hóa sau khi có quyết định xử lý tịch thu sẽ giảm; một số hàng hóa tạm giữ sau 1 năm không còn giá trị sử dụng; tăng chi phí thuê kho bảo quản tang vật; không có kho bảo quản tang vật vi phạm.
Theo quy định của pháp luật thì mức phạt tiền đối với các hành vi vận chuyển, buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu (mức phạt thấp nhất là 1 triệu đồng và cao nhất là 100 triệu đồng). Trong khi đó, tài sản tạm giữ của người vi phạm là phương tiện vận chuyển có giá trị thấp rất nhiều so với số tiền xử phạt. Khi bị xử phạt vi phạm về hành vi vận chuyển thuốc lá, người vi phạm thường không chấp hành quyết định xử phạt và bỏ phương tiện.
Trong các vụ vận chuyển, buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu, người vi phạm thường thuê mướn phương tiện, khi phát hiện thì chỉ xử lý người vi phạm và tang vật, còn phương tiện thì trả lại chủ sở hữu hợp pháp. Do đó, người vi phạm dùng thủ đoạn thuê phương tiện để vận chuyển, khi bị xử lý thì bỏ phương tiện để chủ sở hữu đến nhận và không chấp hành quyết định xử phạt.
Từ những vướng mắc trên, Ban chỉ đạo 389 Long An kiến nghị sửa đổi điểm b khoản 4 Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 được sửa đổi, bổ sung tại khoản 65 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2020 theo hướng sau: Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính quá thời hạn tạm giữ nếu người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng hoặc trường hợp không xác định được người vi phạm thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan của người có thẩm quyền tạm giữ; trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày thông báo, niêm yết công khai, nếu người vi phạm không đến nhận thì người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để xử lý theo quy định tại Điều 82 của Luật này.
Cùng với đó, xem xét điều chỉnh quy định pháp luật về tăng cường, mở rộng truy cứu, xử lý trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực buôn lậu, vận chuyển hàng cấm; quy định chế tài trách nhiệm chủ sở hữu phương tiện vi phạm trong việc thi hành quyết định xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt của đối tượng vi phạm, trong trường hợp hợp đồng cho thuê hoặc cho mượn phương tiện mà để xảy ra vi phạm (kể cả trong trường hợp không biết hoặc không có lỗi) để đảm bảo việc thi hành quyết định xử phạt.
Đồng thời, cần có quy định về chế tài, hướng dẫn đối với những trường hợp cụ thể trong cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, theo đó, cần quy định cụ thể: Trường hợp đối tượng vi phạm hành chính có điều kiện, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có tài sản riêng, không có nghề nghiệp ổn định; Trường hợp cố tình kéo dài, trốn tránh, trì hoãn không chấp hành quyết định xử phạt.
Tâm An