THCL Bộ Giao thông Vận tải vừa có báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ, trong đó đề cập đến việc rà soát hợp lý luồng tuyến, tăng cường phương tiện kết nối giữa các bến xe, quy hoạch về số lượng phương tiện phù hợp tình hình thực tế của địa phương để tránh hiện tượng cung vượt quá cầu…
Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo cơ quan chức năng của thành phố tiếp tục rà soát để bố trí hợp lý các tuyến thuộc diện điều chuyển về Bến xe Nước Ngầm hay Bến xe Giáp Bát, hoặc tái cơ cấu lại giữa bến xe Giáp Bát với Nước Ngầm để đảm bảo cạnh tranh công bằng, công khai, minh bạch đối với các tuyến từ các địa phương (Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Thái Bình).
Phía Hà Nội cần thông báo công khai về quy hoạch bến xe trên địa bàn thành phố, trong đó làm rõ tính pháp lý đối với bến xe Nước Ngầm và được quy hoạch thực hiện dài hạn hay ngắn hạn; thông báo rõ đến các đơn vị vận tải đang hoạt động tại bến xe Gia Lâm được hoạt động đến khi xây dựng xong bến xe Cổ Bi; bến xe Giáp Bát được hoạt động cho đến thời điểm xây dựng xong và đưa vào khai thác bến xe Yên Sở để doanh nghiệp bến xe cũng như đơn vị vận tải chủ động trong đầu tư và hoạt động vận tải.
Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội và Bộ Giao thông Vận tải đề nghị Công an thành phố, Sở Giao thông Vận tải và quận, huyện liên quan mở chiến dịch cao điểm về thanh tra, kiểm tra xử lý “xe dù, bến cóc” trên địa bàn thành phố; tổ chức kiểm tra, phối hợp thông tin xử lý vi phạm, đặc biệt khu vực xung quanh các bến xe; tập trung xử lý nghiêm các vi phạm dùng xe hợp đồng Limousine để hoạt động như tuyến cố định...
Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức lập, trình quy hoạch về số lượng phương tiện phù hợp tình hình thực tế của địa phương để tránh hiện tượng cung vượt quá cầu và lợi dụng chạy “trá hình” xe tuyến cố định gây mất trật tự vận tải và cạnh tranh không công bằng giữa các loại hình vận tải hành khách.
Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục rà soát văn bản quy phạm pháp luật liên quan hoạt động vận tải để sửa đổi, bổ sung theo hướng tăng cường quản lý chặt chẽ và đảm bảo công bằng, bình đẳng giữa các loại hình vận tải; chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ trì phối hợp với Sở Giao thông Vận tải các tỉnh, thành phố rà soát điều chỉnh hành trình các tuyến xe khách liên tỉnh đi qua Hà Nội (tuyến không có điểm đầu, điểm cuối tại các bến xe thuộc Hà Nội), tránh đi xuyên tâm thành phố và giảm đi trên đường vành đai 3 (trừ các tuyến có hành trình bắt buộc phải đi qua).
PV