Hội chữ xuân Kỷ Hợi 2019 diễn ra tại khu vực Hồ Văn - Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) từ 8h đến 20h hàng ngày, từ 29/1 đến hết 17/2 (24 tháng Chạp tới hết 13 tháng Giêng). Riêng đêm 30 mở đến 2h sáng, ba ngày đầu năm mới kéo tới 22h đêm. Có 60 ông đồ tất cả, gồm 39 người trúng tuyển kỳ khảo tuyển vừa rồi, 13 người trước đó trúng tuyển ba năm liên tiếp và một số khách mời là chủ nhiệm các CLB thư pháp có uy tín.
Ban tổ chức yêu cầu các ông đồ cam kết nghiêm túc khi tham gia hội chữ xuân. (Ảnh minh họa)
Một trong những thay đổi lớn tại Hội chữ Xuân Kỷ Hợi là thay vì bố trí các gian viết chữ của “ông đồ” tập trung thành một khu trước sân Hồ Văn, nan tổ chức bố trí xung quanh hồ.
Ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho hay, có 60 “ông đồ” sẽ tham gia viết thư pháp tại hội chữ. Năm nay, Hội chữ Xuân không chỉ thu hút các “ông đồ” ở Hà Nội mà còn có sự tham gia của nhiều “ông đồ” ở các địa phương khác như Bắc Ninh, Hưng Yên, Thừa Thiên Huế… Trước đó, các “ông đồ” đã trải qua vòng thi sát hạch của ban tổ chức.
“Với những trường hợp ‘ông đồ’ không chấp hành đúng nội quy của ban tổ chức, tùy mức độ vi phạm, chúng tôi sẽ tiến hành đình chỉ tại chỗ trong Hội chữ Xuân Kỷ Hợi hoặc đình chỉ vĩnh viễn, không chấp nhận tham gia sự kiện văn hóa này trong những năm sau,” ông Lê Xuân Kiêu khẳng định.
Biện pháp này nhằm khắc phục tình trạng “ông đồ” tham gia chương trình có hành xử thiếu văn minh, tạo ra hình ảnh, ấn tượng không đẹp tại Hội chữ Xuân 2018.
Ngoài hoạt động viết thư pháp, Hội chữ Xuân 2019 còn có nhiều hoạt động khác: tái hiện quang cảnh trường thi xưa (với nhà Thập đạo, chòi canh, lều chõng…), tổ chức không gian trưng bày thư pháp (giới thiệu 30 bức thư pháp chữ Hán, Nôm, Quốc ngữ với chủ đề “Văn hiến”), gian hàng của các làng nghề truyền thống, không gian giới thiệu quy trình làm giấy dó và ứng dụng trong mỹ thuật dân gian, khu vực trò chơi dân gian…
Hằng Vương (t/h)