Định giá thương hiệu: Nói không với

GĐ Mibrand Lại Tiến Mạnh

Từ câu chuyện định giá thương hiệu Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS) với giá 0 đồng, gây xôn xao dư luận trong thời gian qua, ông đánh giá ra sao về việc định giá thương hiệu tại Việt Nam hiện nay; trách nhiệm của cơ quan quản lý, nhận thức của DN đến đâu trong vấn đề này?

Việc định giá thương hiệu của VFS mức… “0 đồng” - là một trong những thực tại đáng báo động về vấn đề định giá thương hiệu nói chung tại Việt Nam. Thương hiệu là tài sản vô hình quan trọng nhất, có giá trị nhất trong số các tài sản vô hình khác nhau của một DN. Nói như vậy là bởi thương hiệu có vai trò lớn, tác động đến quyết định mua sản phẩm của khách hàng. Nó giúp DN bán hàng dễ hơn, với mức giá cao hơn và do đó, mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho DN.

Trong các trường hợp mua bán, sáp nhập, định giá thương hiệu là một phần không thể tách rời khi thảo luận các điều khoản mua bán. Giá trị thương hiệu, khi đó được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như thặng dư do lợi thế kinh doanh, phần trả thặng dư dựa trên thiện chí... Nhưng cách nhìn đúng đắn nhất vẫn là giá trị thực sự của thương hiệu, tính toán trên một phương pháp đặc biệt về khả năng sinh lời của thương hiệu trong tương lai. Điều này đã được áp dụng rất lâu trên thế giới trong các vụ mua bán, sáp nhập công ty.

Tại Việt Nam, vấn đề này chưa thể hiện một cách rõ ràng trên các văn bản hướng dẫn của cơ quan chức năng. Hiện tại, Bộ Tài chính chuyển trách nhiệm này cho các công ty định giá và buộc các công ty này phải tự chịu trách nhiệm với cách tính của mình mà không đưa ra hướng dẫn cụ thể về phương pháp tính. Do đó, các công ty định giá cũng khá dè dặt đối với công việc này, chủ yếu do sợ trách nhiệm nếu có xảy ra tranh chấp, kiện tụng...

Các DN càng thiếu nhận thức đối với định giá thương hiệu và khi đó, chịu những thiệt thòi không đáng trong quá trình mua bán, sáp nhập. Không phải ai cũng biết được rằng, thương hiệu là một tài sản vô hình có giá trị và luôn lớn hơn 0.

Theo ông, đâu là nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong định giá thương hiệu tại Việt Nam?

Theo quan điểm của tôi, chúng ta đang thiếu những quy định chi tiết có tính pháp lý cao trong định giá thương hiệu khi mua bán, sáp nhập. Vì vậy, rất cần những văn bản hướng dẫn từ các bộ, ban, ngành liên quan, các quy chế, quy định phương pháp định giá được chấp nhận, quy trình định giá. Thậm chí, hướng dẫn việc lựa chọn các công ty, tổ chức có chức năng định giá chuyên nghiệp và đơn vị kiểm định kết quả. Có lẽ, vai trò lớn nhất sẽ thuộc về Bộ Tài chính, nơi đưa ra các quy định cho quản lý tài chính của quốc gia.

Việc xây dựng những quy định như vậy, không thể tiến hành ngày một ngày hai. Tuy nhiên, chúng ta cũng có rất nhiều nguồn lực bên ngoài sẵn sàng hỗ trợ cơ quan Bộ trong việc đưa ra những hướng dẫn liên quan.

Trường hợp cần thiết, Brand Finance (từ lâu đã có uy tín trên thế giới) sẵn sàng hỗ trợ các cơ quan nhà nước trong việc đưa ra những hướng dẫn cụ thể về định giá tài sản vô hình.

Vậy, cần có những giải pháp cụ thể ra sao, nhất là quá trình CPH đang diễn ra hiện nay, nhằm giúp việc định giá thương hiệu được chính xác hơn, để DN không bị thua thiệt, tài sản Nhà nước không bị thất thoát?

Như tôi đã nói ở trên, nhằm giúp các DN định giá một cách chính xác giá trị thương hiệu trong quá trình CPH, Bộ Tài chính và các cơ quan quản lý khác nên có những chỉ dẫn và quy định về việc áp dụng phương pháp định giá trong quá trình định giá DN CPH.

Lưu ý, định giá thương hiệu có nhiều phương pháp khác nhau, nhưng không phải phương pháp nào cũng phù hợp. Trong vấn đề CPH, quan điểm của tôi là áp dụng phương pháp nào sát thực nhất và có lợi nhất cho DN, đồng thời đảm bảo tính uy tín ở tầm quốc tế. Bởi vì, sẽ có không ít đối tác nước ngoài muốn tham gia vào quá trình mua lại các DN CPH và họ sẽ chấp nhận các thông lệ quốc tế ở đây.

Nhà nước cũng cần có những quy định chặt chẽ hơn trong việc sử dụng thương hiệu sau mua bán, sáp nhập. Thực tế cho thấy, không ít vụ mua bán, sáp nhập, đối tác nước ngoài mua lại DN và thương hiệu Việt rồi lặng lẽ “giết chết” thương hiệu đó nhằm đẩy thương hiệu ngoại độc chiếm thị trường. Quá trình này, có thể gọi là “bức tử” thương hiệu Việt. Điều đó cũng khiến quốc gia mất đi những thương hiệu của chính người Việt, mất đi những vũ khí cạnh tranh trên thị trường trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay.

Với vai trò của mình, Mibrand Việt Nam đã - đang và sẽ có những hoạt động cụ thể ra sao để góp phần đẩy lùi những tồn tại trong định giá thương hiệu tại Việt Nam, đồng thời giúp DN hoạt động hiệu quả hơn từ chính giá trị thương hiệu mang lại?

Với mong muốn đóng góp cho việc phát triển thương hiệu Việt, tăng sức cạnh tranh của thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế, Mibrand sẽ tiếp tục phối hợp với Brand Finance trong việc định giá top 50 thương hiệu lớn nhất Việt Nam. Điều này sẽ tiếp tục khích lệ các DN trong nước thúc đẩy hơn nữa việc gia tăng sức mạnh thương hiệu, đảm bảo cạnh tranh và vượt lên trên các thương hiệu ngoại tại thị trường Việt Nam. Thông qua hoạt động này, Mibrand cũng mong muốn quảng bá ngày càng sâu rộng nhận thức về giá trị thương hiệu đến các DN Việt Nam, để mọi người hiểu rằng thương hiệu chính là một tài sản - tuy là vô hình nhưng lại được định giá bằng tiền rất có giá của DN.

Trong trường hợp được đề nghị, chúng tôi sẵn sàng tham gia vào quá trình biên soạn những văn bản, hướng dẫn về việc định giá thương hiệu trong quá trình mua bán, sáp nhập DN tại Việt Nam, đảm bảo những quyền lợi chính đáng của DN và chống thất thoát lãng phí cho Nhà nước trong trường hợp CPH các DNNN.

Trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Hà (Thực hiện)