Đột phá tạo dấu ấn
Sáng 3/10/2020, tại Cung Văn hoá Lao động hữu nghị Việt Xô, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội long trọng tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước thành phố Hà Nội, giai đoạn 2020-2025. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự.
Báo cáo kết quả phong trào thi đua và công tác khen thưởng giai đoạn 2015-2020, phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2020-2025, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, “Càng khó khăn thì càng phải thi đua”, Chỉ thị số 34-CT/TƯ của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”, trong 5 năm qua (2015-2020), Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội luôn quan tâm ban hành kịp thời các chương trình, kế hoạch chỉ đạo về công tác thi đua, khen thưởng; xác định chủ đề, lựa chọn khâu đột phá cho từng năm; tập trung sửa đổi, bổ sung 11 quy chế, quy định về công tác thi đua, khen thưởng.
Nổi bật là đã ban hành Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐND ngày 7-7-2020 của Hội đồng nhân dân thành phố về mức chi đặc thù lĩnh vực thi đua - khen thưởng; Quy định về công tác thi đua, khen thưởng trên địa bàn thành phố Hà Nội; Quy chế về phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền nhân rộng và thi viết về gương điển hình tiên tiến, “Người tốt - Việc tốt”; Quy chế khen thưởng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố .
Thành phố cũng đã ban hành các văn bản hướng dẫn có tính chuyên môn sâu như: Công tác khen thưởng Hội đồng nhân dân các cấp; công tác khen thưởng đối với các tổ chức Hội trên địa bàn thành phố. Đây là cơ sở pháp lý, giúp các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện công tác thi đua, khen thưởng một cách thống nhất; quy trình, thủ tục hành chính về công tác thi đua, khen thưởng được công khai, minh bạch; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là người đứng đầu các địa phương, đơn vị.
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh báo cáo kết quả phong trào thi đua và công tác khen thưởng giai đoạn 2015-2020
5 năm qua, các phong trào thi đua yêu nước của thành phố Hà Nội luôn đổi mới về nội dung, phương pháp tổ chức phong trào hướng về cơ sở và người lao động trực tiếp, bám sát nhiệm vụ chính trị trọng tâm, khâu yếu, việc khó với chủ đề, tên gọi, khẩu hiệu hành động và tiêu chí thi đua cụ thể.
Nhiều phong trào thi đua với nội dung ngày càng thực chất hơn đã góp phần hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của thành phố.
Nổi bật, phong trào thi đua yêu nước lĩnh vực kinh tế được thành phố triển khai với nhiều giải pháp đồng bộ đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, chuyển dịch cơ cấu, năng suất chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế được cải thiện.
Hà Nội đã góp phần tích cực trong tăng trưởng cả nước, cụ thể, đóng góp trên 16% tổng sản phẩm trong nước (GDP), 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước. Thủ đô xứng đáng vai trò là trung tâm lớn về kinh tế và giao dịch quốc tế, động lực phát triển của Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.
Phong trào thi đua lĩnh vực quản lý và phát triển đô thị, quản lý xây dựng, đất đai và tài nguyên môi trường gắn với thực hiện “Trật tự văn minh đô thị” góp phần quan trọng tạo diện mạo đô thị mới, hiện đại cho Thủ đô.
Phong trào thi đua lĩnh vực văn hóa - xã hội được đẩy mạnh. Phong trào thi đua “An toàn thực phẩm” đã tạo sự chuyển biến tích cực trong việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm.
Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” được triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp, biện pháp linh hoạt, chủ động, sáng tạo đã trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, hiệu quả.
Hà Nội tiếp tục được Trung ương đánh giá là một trong những đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua trên cả nước. Phong trào thi đua trong công tác cải cách hành chính được xác định là một trong các phong trào trọng tâm, khâu đột phá của thành phố. Chỉ số cải cách hành chính 3 năm liên tiếp xếp thứ hai cả nước.
Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước trong giải quyết thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp qua mạng với tỷ lệ đạt 100%.
Phong trào thi đua lĩnh vực an ninh - quốc phòng và hoạt động đối ngoại góp phần quan trọng bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và hội nhập quốc tế, hợp tác phát triển, nâng cao vị thế Thủ đô.
Phong trào thi đua trong xây dựng hệ thống chính trị gắn với thực hiện “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và chủ đề công tác "Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động hệ thống chính trị” được triển khai đồng bộ, hiệu quả.
Là địa phương đầu tiên trong cả nước phát động và tổ chức phong trào thi đua “Người tốt - Việc tốt”, sau 28 năm triển khai thực hiện, đến nay phong trào đã trở thành phong trào thi đua trọng tâm, xuyên suốt trong tất cả các lĩnh vực công tác và đời sống xã hội của Thủ đô.
Điểm đột phá trong 5 năm (2015-2020), thành phố đã phát động Cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt - việc tốt, nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, cả hệ thống chính trị cùng phát hiện, giới thiệu và biểu dương các gương điển hình tiên tiến, người tốt - việc tốt.
Các đại biểu dự Đại hội
5 năm qua đã có hơn 5.000 cá nhân người tốt - việc tốt tiêu biểu được thành phố biểu dương, khen thưởng và hơn 30.000 cá nhân người tốt - việc tốt được các quận, huyện, thị xã, sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và đơn vị thuộc thành phố biểu dương khen thưởng.
Với những kết quả đạt được, 5 năm qua, nhân dân và cán bộ thành phố Hà Nội đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý. Hàng vạn tập thể, cá nhân thuộc thành phố được Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ và UBND thành phố Hà Nội khen thưởng.
Trong đó, 3.721 tập thể, cá nhân được Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ khen thưởng; 42.556 tập thể, cá nhân được UBND thành phố Hà Nội khen thưởng.
Phương hướng, nhiệm vụ giải đoạn 2020-2025
Với chủ đề đại hội giai đoạn 2020-2025 “Đoàn kết, sáng tạo, đổi mới, thi đua xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại”, Chủ tịch TP Chu Ngọc Anh nêu rõ, công tác thi đua, khen thưởng trong 5 năm tới cần được tiếp tục đổi mới, tập trung vào 5 nhiệm vụ chủ yếu.
Thứ nhất, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về thi đua, khen thưởng, tiếp tục quán triệt thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TƯ của Bộ Chính trị “về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”; trong đó: Nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng trong chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua, bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Gắn các phong trào thi đua yêu nước với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Coi trọng việc phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền nhân rộng điển hình tiên tiến.
Thứ hai, đổi mới việc tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, bám sát nhiệm vụ trọng tâm, các khâu yếu, việc khó của mỗi địa phương, đơn vị. Tiếp tục hưởng ứng các phong trào do Trung ương phát động, xây dựng các giải pháp phù hợp, nhân rộng các mô hình, điển hình mới, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị trong tổ chức triển khai phong trào.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh công tác phát hiện, tuyên truyền, bồi dưỡng, nhân điển hình tiên tiến, thực hiện đồng bộ tốt cả 4 khâu: Phát hiện - bồi dưỡng - tổng kết - nhân điển hình tiên tiến. Có kế hoạch cụ thể để bồi dưỡng, xây dựng các mô hình mới, nhân tố mới trong từng năm và cả giai đoạn. Tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tin truyền thông để đẩy mạnh công tác tuyên truyền tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến, “Người tốt - Việc tốt” trên các lĩnh vực.
Thứ tư, nâng cao chất lượng công tác khen thưởng, chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất, công tác, khen thưởng thành tích trong lao động sáng tạo. Quan tâm khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích đột xuất, các tập thể, cá nhân dũng cảm cứu người, tài sản của Nhà nước và nhân dân…
Thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thi đua, khen thưởng. Phát huy vai trò của các ngành, các cấp, các đoàn thể và các kênh thông tin trong việc phát hiện các điển hình để khen thưởng.
Thứ năm, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng và vai trò tham mưu của cơ quan chuyên trách công tác thi đua, khen thưởng các cấp. Thường xuyên củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp theo hướng ổn định, tạo sự thống nhất từ thành phố đến cơ sở. Bố trí đủ số lượng công chức, viên chức có năng lực, trình độ; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu đổi mới công tác thi đua, khen thưởng.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đoàn kết, nhất trí, chung sức, đồng lòng nêu cao ý chí, năng động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa xã hội 5 năm (2020-2025) và những năm tiếp theo, xứng đáng với truyền thống Thủ đô Văn hiến, Anh hùng, Thành phố Vì hòa bình.
Hoan Nguyễn