Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Doanh nghiệp bằng cách nào “sống chung với dịch”?

Cộng đồng doanh nghiệp(DN) đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Các chuyên gia nhận định, không chỉ trong giai đoạn bùng phát, mà ngay cả khi dịch bệnh được kiểm soát, doanh nghiệp sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Một trong những thách thức đó là do các chuỗi cung ứng trong nước và trên toàn cầu bị đứt gãy…

] Ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng dịch Covid-19
 Ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng dịch Covid-19. 

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Lắng nghe doanh nghiệp và người dân

Tôi nghĩ rằng, các doanh nghiệp sẽ còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, kể cả khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, đất nước dần đi vào “bình thường mới”. Bởi vì, lần này, các chuỗi cung ứng, kể cả chuỗi cung ứng nội địa bị đứt gãy nặng nề. Trong lần dịch trước đây, chủ yếu chúng ta thấy sự đứt gãy chuỗi cung ứng đối với bên ngoài; nhưng lần này, nó xuất hiện cả trên thị trường nội địa, với quy mô rộng và tác động lớn hơn rất nhiều tới cuộc sống trong nước.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan 

Thị trường nội địa đóng góp vào tăng trưởng kinh tế hằng năm rất lớn, chịu sự ảnh hưởng trực tiếp và sâu rộng nhất đối với phần lớn DN và dân cư nước ta. Đa số DN Việt là siêu nhỏ, nhỏ và vừa, hoạt động chủ yếu trên thị trường nội địa. Tỷ lệ DN tham gia XNK chỉ khoảng 30%, kể cả số hoạt động gián tiếp. Lần này, DN gặp khó khăn gấp bội: Thu nhập giảm mạnh; chi phí tăng cao; nguồn lực của số lớn DN hầu như đã cạn kiệt sau 20 tháng chống chọi với đại dịch. Vì vậy, số doanh nghiệp ngừng hoạt động và số người lao động mất việc làm, bỏ về quê không ít. Những chấn động trên thị trường nội địa lần này, có thể để lại những dư chấn kéo dài trong thời gian tới.

Trong trường hợp dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, kinh tế phục hồi dần, thì nhiều doanh nghiệp cũng không dễ trở lại hoạt động. Những doanh nghiệp đã dừng hoạt động, muốn trở lại kinh doanh, sẽ tốn nhiều tiền của, công sức, thời gian, chưa kể cơ hội thị trường có thể không còn nữa. Những doanh nghiệp còn trụ được, thì nguồn lực hao mòn, mối làm ăn ít nhiều bị đứt đoạn, cả về 2 phía cung - cầu; một số công nhân đã bỏ đi, doanh nghiệp khôi phục lại không hề dễ dàng.

DN sẽ phải lo tìm kiếm các nguồn lực mới, tiếp cận đối tác cũ và mới, điều chỉnh cách làm việc trong bối cảnh đã có bao thay đổi về công nghệ và thị trường, xây dựng lại các chuỗi cung ứng đã có và hình thành các chuỗi mới, chinh phục khách hàng và thị trường với những đòi hỏi mới. Hệ thống phân phối, logistics cũng bị chao đảo. Từ các siêu thị tới các cửa hàng nhỏ, chợ truyền thống… đều phải tổ chức lại để tiếp tục hoạt động một cách ổn định, hiệu quả.

Thời gian trước và trong đại dịch, nhiều khó khăn, trở ngại không đáng có đã nảy sinh, làm tăng chi phí logistics cho DN và người tiêu dùng. Lĩnh vực logistics, cần phải cải thiện hiệu quả và tính bền vững trong mọi tình huống. Về nhân tố lao động, người lao động đã bỏ đi, có quay lại không - cũng là một câu hỏi không dễ trả lời. Họ cần việc làm, nhưng sẽ tính toán nhiều hơn sau chấn động vừa rồi. Yêu cầu của họ về đảm bảo nơi ăn chốn ở và dịch vụ y tế tốt hơn sẽ tăng lên. Điều này, sẽ tạo thêm áp lực và chi phí lớn cho các doanh nghiệp, trong khi nguồn lực của họ hạn hẹp, tương lai lại khó đoán định.

Sự suy giảm thu nhập của nhiều doanh nghiệp và người dân, khiến thị trường nội địa bị thu hẹp, sức mua sụt giảm, kể cả trong một thời gian sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Mặt khác, nhu cầu, thói quen và cơ cấu tiêu dùng của người dân cũng có thể thay đổi, phía doanh nghiệp, khi đó sẽ phải điều chỉnh cho phù hợp.

Không ít doanh nghiệp xuất nhập khẩu bị chao đảo với chi phí tăng lên, lợi nhuận giảm đi. Do dịch bệnh, việc giao hàng của một số doanh nghiệp xuất khẩu bị chậm lại, có khách hàng chấp nhận lui thời gian giao hàng, nhưng cũng có khách hàng chuyển đơn hàng đi nơi khác. Một số khách hàng cũng lo dịch bệnh có thể kéo dài, các DN họ đang đặt hàng hoặc đầu tư có tiếp tục trụ vững được hay không.

Mặt khác, cạnh tranh vẫn tăng lên, nhất là ở các nền kinh tế sớm ra khỏi dịch. Thị trường quốc tế nói chung còn nhiều thay đổi bất định, khó lường. DN sẽ gặp nhiều khó khăn, kể cả trong giai đoạn tiếp theo. Một thực tế ở nước ta đó là việc thực thi các giải pháp, chính sách, thường có vấn đề lớn. Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng năm ngoái khá toàn diện, nhưng số DN và lao động tiếp cận được lại ít. Việc điều tra, nghiên cứu của nhiều tổ chức đã chứng minh rõ điều này và đưa ra các khuyến nghị cụ thể.

Các cơ quan chức năng cần xem kỹ những báo cáo đó và rút kinh nghiệm, thay đổi cách làm cho lần này. Các cơ quan nhà nước cần phải lắng nghe DN và người dân; cần phối hợp với các hiệp hội DN, viện nghiên cứu và tổ chức xã hội tiến hành nhanh những điều tra, khảo sát để đưa ra những giải pháp sát thực, khả thi, đúng và trúng. Giữa các ngành hàng, các địa phương và loại hình DN, cũng có sự khác nhau về tác động của dịch bệnh và nhu cầu hỗ trợ, do đó, cách hỗ trợ cần được cụ thể hóa, tránh rập khuôn.

Đợt dịch lần này cho thấy rõ trình độ bộ máy, cán bộ các cấp thực thi rất có vấn đề. Vẫn thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, các địa phương, thậm chí ngay trong một tỉnh, thành phố nên cùng chính sách mà mỗi nơi hiểu và làm một kiểu, nhiều khi gây khó cho nhau và cho xã hội. Một số văn bản ban hành chưa được thiết kế đủ minh bạch, cụ thể để không ai có thể hiểu sai, nhất là các cơ quan và người nhà nước không thể vận dụng sai. Ngoài sự vô cảm hoặc thói quen quan liêu, lạm quyền, một số cán bộ còn bộc lộ trình độ thấp, đến mức không hiểu được mục đích, nội dung các quy định của Nhà nước. Báo chí đã nêu lên bao câu chuyện “cười ra nước mắt” liên quan vấn đề này.

Rất cần rà soát lại trình độ, năng lực, đạo đức công chức của cán bộ các cấp tham gia thiết kế và thực thi chính sách. Ai không đáp ứng được, thì cần loại ngay khỏi hệ thống, bởi chừng nào còn làm việc, thì họ vẫn có thể gây khó cho DN và người dân, làm giảm hiệu quả chính sách của Nhà nước.

“Sống chung với dịch” - là tình huống chắc chắn phải tính đến. Hàng loạt tổ chức quốc tế và quốc gia đã nói điều này, kể cả các nước có tỷ lệ tiêm chủng rất cao và có sẵn nguồn cung vaccine dồi dào như Hoa Kỳ, vẫn phải đặt vấn đề “sống chung với dịch”. Người ta thừa nhận khả năng virus corona tiếp tục tồn tại và biến thể, vì vậy, xác định phải sẵn sàng “sống chung với dịch” để chuẩn bị và xử lý tốt hơn trong tương lai.

Về các giải pháp, trước hết, chúng ta phải coi việc đầu tư cho y tế là cực kỳ quan trọng và cần thiết. Có hệ thống y tế tốt, bảo vệ được sức khỏe và tính mạng người dân, thì mới có tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống bền vững. Khi dịch bệnh xảy ra, chẳng những không thể tăng trưởng, mà còn mất đi nhiều mạng người và thành quả đã có. Đầu tư vào y tế như thế nào, dĩ nhiên phải tính toán hiệu quả cho hiện tại và tương lai. Cần học hỏi kinh nghiệm của các nước để xây dựng hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe tốt hơn từ cả phía Nhà nước và người dân.

Về kinh tế, phải rà soát lại các chiến lược, quy hoạch, các vấn đề về khai thác, sử dụng và phân bổ nguồn lực trong phát triển kinh tế các ngành, vùng, các loại hình DN để đổi mới mạnh mẽ, nhằm nâng cao hiệu quả và tính bền vững, bao trùm của sự phát triển kinh tế - xã hội nước nhà trong những năm tới. Qua đợt dịch lần này, chúng ta thấy, bình thường tưởng như một số DN, ngành, vùng và chuỗi liên kết được vận hành khá tốt. Nhưng khi dịch bệnh lan ra, thì nhiều DN liêu xiêu, ngành - vùng chao đảo, các liên kết, chuỗi cung ứng bị đứt gãy ngay trên thị trường trong nước.

Khá nhiều khuyết tật trong nền kinh tế và hệ thống điều hành các cấp đã bộc lộ. Rõ ràng, chúng ta cần đổi mới mạnh mẽ, thực sự chăm lo xây dựng hệ thống kinh tế - xã hội với những nền tảng, DN và mối liên kết ngành, vùng hiệu quả, vững chắc, có sức bền để vượt qua các thách thức từ bên trong, bên ngoài, đồng thời tạo sức mạnh nắm bắt những thời cơ mới để phát triển.

Đại dịch lần này, càng cho thấy bên cạnh phát triển kinh tế, rất cần lo đến môi trường, xã hội. Sự tàn phá môi trường - là một trong những nguyên nhân nảy sinh dịch bệnh, gây tác hại ghê gớm. Ở nước ta, môi trường và biến đổi khí hậu đã thực sự trở thành vấn đề lớn; tuy đã có chủ trương, chiến lược chung về bảo vệ môi trường, nhưng thực thi còn yếu. Từ nay, rất cần đặt môi trường thành yêu cầu nghiêm ngặt khi xem xét, phê chuẩn mọi quyết định đầu tư của từng ngành, vùng hay dự án và giám sát chặt chẽ việc thi hành.

Về xã hội, an sinh xã hội là vấn đề rất lớn mà mọi quốc gia đều quan tâm. Ở nước ta, tỷ lệ lao động tự do làm việc trong khu vực phi chính thức rất cao, lao động nhập cư làm việc trong các tổ chức, DN tại các đô thị và khu công nghiệp cũng rất lớn. Đây là những nhóm người chịu chấn động lớn nhất trong dịch bệnh. Làm thế nào để có thể giúp họ có việc làm, thu nhập và cuộc sống ổn định, an toàn trên các mặt về lâu dài - là điều rất đáng phải lo. Mọi chương trình phát triển trong tương lai, phải coi an sinh xã hội là một trong những mục tiêu hàng đầu, đặc biệt cho các nhóm lao động nói trên cùng những nhóm dễ bị tổn thương khác.

Cuối cùng, thực tế thời gian qua cũng cho thấy, rất nhiều tổ chức xã hội với các hình thái khác nhau, dù được hay chưa được công nhận chính thức, đã có vai trò rất lớn trong việc chủ động tổ chức huy động người dân hỗ trợ lẫn nhau và chia sẻ, giúp đỡ những người gặp khó khăn. Tinh thần “lá lành đùm lá rách” - là một giá trị, một nguồn “vốn xã hội” quý của dân tộc ta. Cần tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức xã hội hoạt động để nâng cao nguồn vốn xã hội đó, để các tổ chức xã hội và người dân có thể thường xuyên hỗ trợ nhau, góp sức cùng Nhà nước thực hiện an sinh xã hội…

Tổng thư ký Hội Tin học TP. HCM Vũ Anh Tuấn: Khắc phục đứt gãy chuỗi cung ứng

 Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn tới DN. Đối với DN, hoàn toàn bất ngờ và thụ động, nhất là trong năm đầu tiên (2020), hàng loạt DN phải tạm ngưng hoạt động hay đóng cửa một phần do các biện pháp giãn cách xã hội. Chuỗi cung ứng bị đứt gãy, nguồn nguyên vật liệu bị gián đoạn, nhân công thiếu hụt, đơn hàng vừa bị trễ hạn, vừa bị giảm sút do bị hủy… Các DN ngành vận tải, khách sạn, nhà hàng… chịu sự tác động nặng nề khi dịch bệnh xảy ra cả 2 năm 2020 – 2021 (ngành du lịch gần như đóng băng).

Tổng thư ký Hội Tin học TP. HCM Vũ Anh Tuấn
Tổng thư ký Hội Tin học TP. HCM Vũ Anh Tuấn 

Trong bối cảnh đó, nhiều DN CNTT cũng không nằm ngoài những ảnh hưởng tiêu cực này khi ứng dụng giảm, tạm ngưng sử dụng dịch vụ CNTT, các đơn hàng mới hoặc đang trao đổi, chuẩn bị ký cũng bị tạm ngưng hoặc bị hủy. Dù các DN CNTT mức độ ảnh hưởng không lớn bằng các DN ngành khác, song do dịch bệnh kéo dài, đã khiến thị trường bị thu hẹp, mất khách hàng (kể cả ở nước ngoài), nhân sự bị xáo trộn…

 Bên cạnh những ảnh hưởng bất lợi đó, nhiều DN cũng đã tìm được cơ hội mới, mở được thị trường mới khi chuyển đổi, bắt kịp và cung cấp các giải pháp phục vụ giãn cách (học tập, họp, hội nghị, hội thảo, làm việc online…); các giải pháp hay ứng dụng phục vụ ngành y tế, chống dịch. Đặc biệt, mảng thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến, giao hàng nhanh… đang trở nên cấp thiết khi càng ngày dịch càng diễn biến phức tạp, buộc phải giãn cách xã hội lâu và trên diện rộng, khiến cho việc thu hoạch, vận chuyển, cung ứng hàng hóa, nhất là nông sản, hải sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trước những ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 đối với DN, Nhà nước đã có những hỗ trợ kịp thời như giảm thuế VAT, giảm thuế thu nhập DN, hoãn/giãn thời gian nộp khác khoản thuế/phí; cho vay để trả lương hay tái cơ cấu và khôi phục sản xuất với lãi suất ưu đãi… Điều này, đã giúp DN giải quyết được phần nào những khó khăn hiện tại.

‘Tuy nhiên, vấn đề sẽ không chỉ dừng lại ở những hỗ trợ hiện nay, mà điều quan trọng, theo tôi đó là làm sao khắc phục - giảm được tác động của việc đứt gãy chuỗi cung ứng để khi dịch bệnh được kiểm soát và đẩy lùi, các DN có được không những thị trường, mà còn là nguồn cung nguyên vật liệu và nguồn nhân lực - vốn bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi hiện tại DN phải cắt giảm hay người lao động đã di chuyển về quê, do không trụ được ở thành phố.

Giám đốc Công ty TNHH Bảo Chi Ngô Văn Trọng: Mong nhận được nhiều hỗ trợ hơn…

Trong đợt dịch bùng phát lần này, khiến các DN rất khó khăn. Tuy nhiên, Công ty TNHH Bảo Chi (BCC) cũng đã cố gắng duy trì công việc liên tục ở cả nhà máy và các dự án trên công trường.

Giám đốc Công ty TNHH Bảo Chi Ngô Văn Trọng
Giám đốc Công ty TNHH Bảo Chi Ngô Văn Trọng 

Riêng đối với sản xuất que hàn KOVI của đơn vị, do sản phẩm được hoàn thành đúng vào thời gian đỉnh điểm của bệnh dịch nên chúng tôi gặp phải những khó khăn như nhu cầu đối với sản phẩm giảm, do hầu hết các hoạt động xây dựng, các dự án đều bị ngưng trệ, khó khăn trong việc triển khai kế hoạch thị trường, giao vận (nếu có giao được thì chi phí rất cao). Trong khi đó, giá thép biến động lớn và rất khó kiểm soát, do ảnh hưởng của giá quặng sắt và chuỗi sản xuất trên thế giới.

Tuy Chính phủ có chủ trương hỗ trợ DN, nhưng thực tế, chúng tôi nhận được ít sự hỗ trợ từ cơ chế, nhất là đối với những DN có quy mô nhỏ như BCC. Khả năng tiếp cận nguồn vốn, đặc biệt là vốn ưu đãi rất khó khăn. Việc tiếp cận được quỹ đất xưởng cho sản xuất, cũng không hề dễ dàng. Hiện chúng tôi vẫn phải thu xếp trên nhà máy đi thuê lại của người khác với chi phí cao. Đồng thời, đơn vị chưa có hỗ trợ liên quan tiếp cận nguồn nhân lực được đào tạo.

Bởi vậy, chúng tôi rất mong nhận được nhiều hỗ trợ hơn để giải quyết những khó khăn như đề cập ở trên, nhất là khả năng tiếp cận nguồn vốn.

CEO Công ty ELINKGATE Nguyễn Xuân Hoàng: Doanh nghiệp mong muốn được dãn nợ

 Về mặt tiêu cực, rõ ràng, dịch bệnh phức tạp với quy định lockdown (sự phong tỏa hoặc đóng cửa một khu vực nào đó) khiến hoạt động bán hàng hoàn toàn bị đóng băng, nhiều khách hàng lớn quan tâm tới sản phẩm của chúng tôi, nhưng chưa gặp mặt trực tiếp được nên phải hẹn lui đến sau khi hết dịch.

CEO Công ty ELINKGATE Nguyễn Xuân Hoàng (Phải)
CEO Công ty ELINKGATE Nguyễn Xuân Hoàng (Phải) 

 Hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng bị đình trệ, do việc nhập linh kiện điện tử và mua các phụ kiện bị tác động của lệnh lockdown nên không thể nhận hàng đúng hạn.

Song, dịch bệnh cũng đem lại một số tác động tích cực cho các DN CNTT. Chẳng hạn như, với DN chúng tôi, khách hàng thấy được tính ưu việt của công nghệ điều khiển từ xa ELINKGATE nên đã chủ động liên lạc để hỏi về sản phẩm. ELINKGATE cũng đã hỗ trợ sản phẩm miễn phí cho bộ phận CNTT của các bệnh viện tuyến đầu phòng chống Covid-19 nhằm hạn chế việc tiếp xúc (BV Nhi TP. HCM, BVĐK Đồng Nai, BVĐK Tiền Giang…), được đánh giá cao.

Chúng tôi mong muốn các cơ quan nhà nước triển khai sớm việc tiêm vaccine để đạt miễn dịch cộng đồng, sớm mở cửa trở lại nền kinh tế. Đồng thời, cũng cần đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực hành chính công, logistics… để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn có thể vận hành trong tình huống dịch Covid-19 kéo dài. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn được hỗ trợ giảm thuế thu nhập DN và dãn nợ thuế thu nhập cá nhân để DN có thể hồi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Duy Thế - Phạm Sơn

Bài liên quan

Tin mới

Xử phạt hành chính 9 cơ sở y tế tư nhân tại Hà Tĩnh
Xử phạt hành chính 9 cơ sở y tế tư nhân tại Hà Tĩnh

Sở Y tế Hà Tĩnh vừa công bố kết luận kiểm tra việc tuân thủ các quy định pháp luật về hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, và cung cấp dịch vụ y tế tại các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn tỉnh.

Bắt Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc vì liên quan đến Nguyễn Văn Hậu
Bắt Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc vì liên quan đến Nguyễn Văn Hậu

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố, bắt giam ông Nguyễn Văn Khước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc để điều tra hành vi nhận tiền của Nguyễn Văn Hậu.

Bắt khẩn cấp 3 đối tượng trong đường dây đánh bạc qua mạng lên đến 50 tỷ đồng
Bắt khẩn cấp 3 đối tượng trong đường dây đánh bạc qua mạng lên đến 50 tỷ đồng

Ba đối tượng ở Đà Nẵng móc nối hình thành đường dây tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua mạng bằng hình thức cá cược thể thao. Đến thời điểm bị bắt, các đối tượng đã giao dịch số tiền khoảng 50 tỷ đồng.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị: Phá đường dây tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép
Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị: Phá đường dây tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép

Ngày 23/4, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Trị cho biết, đơn vị vừa triệt phá đường dây tổ chức đưa người khác xuất cảnh trái phép sang Lào.

Điểm mặt loạt công trình trọng điểm thay đổi diện mạo khu Đông TP.HCM 2 năm tới
Điểm mặt loạt công trình trọng điểm thay đổi diện mạo khu Đông TP.HCM 2 năm tới

Hầu hết các dự án hạ tầng trọng điểm của TP.HCM đang và sắp triển khai trong giai đoạn 2024-2025 đều đi qua khu Đông. Điều này không chỉ mở toang kết nối, thúc đấy kinh tế phát triển mạnh mẽ mà còn thổi bùng làn sóng an cư và tăng giá bất động sản.

Hải Phòng tổ chức giám sát thực hiện các quy định, chính sách trong quản lý, phát triển công nghiệp Tràng Duệ
Hải Phòng tổ chức giám sát thực hiện các quy định, chính sách trong quản lý, phát triển công nghiệp Tràng Duệ

Sáng 23/4, Đoàn giám sát Chuyên đề của HĐND TP. Hải Phòng giám sát về việc thực hiện các quy định, cơ chế, chính sách trong quản lý, phát triển công nghiệp trên địa bàn thành phố tại KCN Tràng Duệ (huyện An Dương). Đồng chí Bùi Đức Quang, Ủy viên Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND TP. Hải Phòng chủ trì buổi giám sát. Cùng đi có đại diện lãnh đạo các Ban của HĐND thành phố và một số Sở, ngành liên quan.