Anh Lê Chí Dũng, giám đốc doanh nghiệp bao bì tại Km30, Quốc lộ 5A (thuộc địa bàn tỉnh Hưng Yên) cho biết, mấy ngày qua, hoạt động của công ty gần như tê liệt, do tình trạng thiếu điện liên tục. 

Theo anh Dũng, chưa có năm nào việc cắt điện lại xảy ra thường xuyên như năm nay.

“Cả dàn máy móc đang chạy, công nhân đang vào ca tập trung làm việc thì mất điện. Thiệt hại không chỉ ở việc các sản phẩm dở dang phải bỏ đi, mà máy móc bị ngắt điện bất ngờ cũng nguy cơ bị hỏng hóc, ngừng hoạt động. Việc sửa chữa máy móc mỗi lần bị hỏng trong hoàn cảnh này có thể lên đến hàng trăm triệu. Sản phẩm đang làm dở chưa thể hoàn thành cũng phải bỏ đi vì không dùng được. Sau dịch Covid-19, doanh nghiệp chật vật tìm đơn hàng. Nay có được đơn hàng, thì lại có nguy cơ bị chậm, hoãn trả đơn hàng cho đối tác, do tình trạng thiếu điện để hoạt động, khó khăn càng bị nhân 3, nhân 5”, anh nói.

“Giờ đây, đối tác thì giục mà công nhân cứ phải “ngồi chơi” vì không có điện để vận hàng máy móc. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị, nhưng phía điện lực chưa có câu trả lời”, anh Dũng cho biết thêm.

Cắt điện khắp nơi nên du khách tìm đến các quán cà phê ở trên đồi, thoáng mát để tránh nóng sáng 4.6. Ảnh: Nguyễn Hùng
Cắt điện khắp nơi nên du khách tìm đến các quán cà phê ở trên đồi, thoáng mát để tránh nóng 

Trầm trọng hơn, chị Phạm Thị Thùy, Giám đốc Nhà máy Bánh gạo One One (thuộc Công ty Cổ phần New Rice, cũng tại khu vực Km30 - Quốc lộ 5A), cho biết, thiệt hại mỗi ngày mà doanh nghiệp đang phải hứng chịu lên đến hàng tỷ đồng. Nếu tính trạng mất điện kéo dài, con số tiếp tục được nhân lên.

Tương tự, tình trạng cắt điện sản xuất diễn ra liên tục trong 4 ngày nay khiến các doanh nghiệp tại 4 khu công nghiệp Phúc Khánh, Nguyễn Đức Cảnh, sông Trà và Gia Lễ (tỉnh Thái Bình) chịu cảnh cắt điện bắt đầu từ 12 giờ trưa đến 24 giờ đêm. Trong các ngày tiếp theo (từ 7 - 9/ 6) sẽ tiếp tục cắt điện sản xuất từ 12 giờ trưa đến 20 giờ tối.

Qua tổng hợp, có gần 100 dự án đang hoạt động tại 4 khu công nghiệp nêu trên bị ảnh hưởng trực tiếp từ việc cắt điện. Việc điều chỉnh sản xuất, hầu như không thực hiện được, do thời gian cắt điện hiện nay kéo dài 12 tiếng, người lao động (phần nhiều là nữ giới) không có đủ sức khỏe để thay đổi giờ làm sớm hơn bình thường.

Theo Ban Quản lý khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh Thái Bình, hiện có Công ty Trách nhiệm hữu hạn Gateway Lighting Việt Nam (Khu công nghiệp Gia Lễ) buộc phải đẩy giờ làm từ 4 giờ sáng. Đến khoảng 8 giờ cho công nhân ăn ca, tiếp tục làm đến 12 giờ trưa rồi nghỉ.

Việc cắt điện cũng ảnh hưởng rất lớn đối với lĩnh vực du lịch. Tại khu du lịch Bãi Cháy, ngày 4/6, thời điểm 9h30 sáng, khu vực này bị cắt điện đột ngột khiến nhiều khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng trở tay không kịp.

Chủ một quán ăn tại Bãi Cháy cho biết, việc mất điện đột ngột trong khi thời tiết nắng nóng, khiến nhiều khách hàng bức xúc. Nhiều người đã vào nhà hàng lại chuyển sang những quán hàng khác, miễn là có điều hòa.

Trong khi đó, chủ một nhà nghỉ ở phường Hùng Thắng (thành phố Hạ Long) bức xúc phản ánh, việc cắt điện luân phiên trong khi nhà nghỉ quy mô nhỏ, không đầu tư máy phát điện nên gặp khó khăn.

"Nhà nghỉ có đoàn khách hơn 30 người đặt phòng cho 2 ngày cuối tuần, nhưng với tình trạng này, chắc không đáp ứng được. Muốn mua máy phát điện, phải đầu tư khá nhiều tiền, thuê thì cũng rất tốn kém mà tài chính lại đang eo hẹp", chủ nhà nói.

Tương tự, anh M.T, chủ một khách sạn ở Hòn Gai cho biết, cắt điện luân phiên khiến công việc kinh doanh vốn đang hy vọng được hồi phục trong mùa du lịch 2023, nay trở nên khó khăn. 

Nếu khách sạn có máy phát điện, thì một ngày cũng tốn thêm vài triệu đồng tiền dầu. Chưa kể quá trình vận hành có thể xảy ra trục trặc khiến khách không hài lòng cắt ngắn lịch trình kì nghỉ. Khi đó, việc bồi thường cho khách là không tránh khỏi...

Ngày 6/6, Thủ tướng ban hành Công điện số 517/CĐ-TTg ngày 6/6/2023 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng điện mùa khô năm 2023 và thời gian tới.

Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Công Thương rà soát, đánh giá kỹ về tình hình cung ứng điện hiện nay, nhất là các yếu tố phát sinh, ảnh hưởng đến việc bảo đảm cung ứng điện để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, khẩn trương hướng dẫn EVN xây dựng các kịch bản chủ động kịp thời ứng phó với những khó khăn về cung ứng điện và tổ chức thực hiện theo quy định; hoàn thành việc này trước ngày 10/6/2023.

Trước đó, Thủ tướng đã chỉ đạo bằng nhiều hình thức từ sớm, từ xa về việc bảo đảm cung ứng điện mùa khô năm 2023, trong đó yêu cầu tuyệt đối không để xảy ra thiếu điện, cũng như lưu ý các giải pháp cụ thể khắc phục các khó khăn về cung ứng điện thời gian qua, trong đó có Thông báo số 185/TB-VPCP ngày 19/5/2023...

Thiên Trường