Yêu cầu cấp bách
Ngày 10/10/2023, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 41- NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam. Trong 7 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Nghị quyết 41, có đề cập đến nội dung quan tâm xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, các mô hình, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mới để mở rộng không gian phát triển cho doanh nhân, doanh nghiệp.
Trong bối cảnh có nhiều khó khăn, để hỗ trợ doanh nghiệp tối ưu các nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh trong nền kinh tế số đang diễn ra mạnh mẽ, Diễn đàn “Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nền kinh tế số” đã được tổ chức vào sáng nay 25/10, để có những góc nhìn thẳng vào thực tế, nhận diện những khó khăn vướng mắc cũng như cơ hội đầu tư từ dòng vốn và công nghệ mới của các doanh nghiệp, nhà đầu tư; lắng nghe ý kiến, đối thoại từ các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ, chúng ta đang bước vào những tháng cuối cùng của năm 2023 với nhiều tín hiệu tích cực cho sự phục hồi và phát triển của nền kinh tế. Theo Tổng cục Thống kê, đến hết quý III năm nay, cả nước đã có hơn 165.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, tăng 1,2% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước cũng đang tăng trưởng rất ấn tượng, đạt hơn 497 tỷ USD với cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 21,68 tỷ USD…
Những con số thống kê trên cho thấy, nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam ứng biến nhanh chóng, có chiến lược quản lý và điều hành linh hoạt trong giai đoạn nhiều thách thức, biến động khó lường.
“Một trong những giải pháp ứng phó linh hoạt và hiệu quả nhất trong giai đoạn khó khăn kéo dài gần 3 năm qua chính là các doanh nghiệp, tổ chức, đơn vị đã chủ động ứng dụng tiến bộ của khoa học công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo để số hoá quy trình sản xuất kinh doanh, nâng cao năng suất và hiệu quả hoạt động.
Chuyển đổi số đang diễn ra rất nhanh trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề của nền kinh tế như thương mại, ngân hàng tài chính, du lịch, y tế giáo dục đến giải trí… góp phần thúc đẩy kinh tế số phát triển mạnh mẽ. Kinh tế số đã và đang đóng vai trò quan trọng, thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, bao trùm với mục tiêu trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045”, ông Hoàng Quang Phòng phân tích.
Theo Báo cáo nền kinh tế số 2022 do Google và Temasek thực hiện, với tốc độ tăng trưởng đạt hai con số trong giai đoạn 2019 - 2022, kinh tế số tại Việt Nam đã có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á, là một trong ba quốc gia phát triển kinh tế số hàng đầu khu vực.
Dự báo trong những năm tới, kinh tế số tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt khi Việt Nam được đánh giá hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi. Đó là sự đồng thuận, hỗ trợ của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp; cơ sở hạ tầng công nghệ viễn thông ngày càng hoàn thiện; dân số trẻ và tỷ lệ dân số sử dụng điện thoại thông minh, mạng Internet và mạng xã hội rất cao…
Với tốc độ tăng trưởng cao, năm 2022 kinh tế số đã đóng góp 14,26% GDP. Việt Nam đang hướng đến mục tiêu kinh tế số đóng góp 20% GDP vào năm 2025 và 30% GDP vào năm 2030 như mục tiêu đã đề ra tại Văn kiện Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 52 - NQ/TW của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Theo Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ, doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế số. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số đã giúp doanh nghiệp tối ưu hoá quy trình, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; vượt qua những giới hạn cả về khoảng cách thời gian và khoảng cách địa lý để tìm kiếm, mở rộng thị trường; đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.
Ông Hoàng Quang Phòng cũng chỉ ra, phát triển kinh tế số là chặng đường dài, hiệu quả của hội nhập kinh tế phụ thuộc rất nhiều vào năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng như của các doanh nghiệp. Vì vậy, việc tiếp tục các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp là nội dung cấp bách. Đây chính là chìa khoá để chúng ta thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số, qua đó nắm bắt và tận dụng tốt hơn các cơ hội từ kinh tế số.
Hiểu đúng để làm đúng
Đưa ra góc nhìn tại Diễn đàn, bà Bùi Thị Hải Yến - Ủy viên Ban chấp hành VCCI, Phó Chủ tịch HBA, Tổng Giám đốc Công ty CP Hanel cho biết, chúng ta cần hiểu rõ hơn về nền kinh tế số, là nền kinh tế hoạt động trên ứng dụng công nghệ số để tạo ra các cơ chế tự động, thông minh thay thế con người trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Chính vì thế, năng suất lao động trong nền kinh tế số sẽ tăng gấp nhiều lần so với các phương thức mà chúng ta đang áp dụng hiện nay, nghĩa là ở đó không chỉ tăng lên hàng chục phần trăm mà là hàng trăm phần trăm. Thực chất năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nền kinh tế số chính là năng lực tạo ra năng suất lao động cao. Làm thế nào để doanh nghiệp Việt Nam đạt được điều đó, câu trả lời duy nhất chính là chuyển đổi số.
Bà Yến cũng nêu thêm một số vấn đề đang suy ngẫm như: Thứ nhất, ở nước ta, trong kinh tế, chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi phương thức sản xuất, từ phương thức sản xuất thủ công - bán tự động sang phương thức sản xuất thông minh.
Tại các doanh nghiệp, chuyển đổi số là quá trình chuyển đổi doanh nghiệp hiện nay thành doanh nghiệp số với nội dung trọng tâm là thông minh hóa sản xuất kinh doanh và thông minh hóa quản lý doanh nghiệp. Ý nghĩa của cụm từ “thông minh hóa” ở đây là các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số để tạo ra các quy trình số có khả năng lựa chọn phương án tối ưu trong từng tình huống sản xuất kinh doanh cụ thể một cách tự động.
Do có sự tham gia của các cơ chế tự động thông minh này vào quá trình sản xuất nên số lượng lao động giảm đi, trong khi hiệu quả sản xuất lại tăng lên rất cao, nhờ khắc phục được những hạn chế của phương thức sản xuất truyền thống, như không tốn công sức thu thập dữ liệu, mà dữ liệu lại không đầy đủ (vì máy sẽ tự động thu thập mọi loại dữ liệu), xử lý được vụ việc tức thì ngay tại thời điểm diễn ra (điều này kinh tế truyền thống không làm được)…
Thứ hai là các doanh nghiệp đã chuẩn bị thế nào? Từ giữa năm 2020 đến nay nhiều hội nghị, hội thảo về chuyển đổi số đã được VCCI và nhiều đơn vị khác tổ chức. Tuy nhiên, đến thời điểm này (tháng 10/2023) nên nghiêm túc nhận xét rằng đại đa số doanh nghiệp chưa thực sự bắt tay vào chuyển đổi số.
Có hiện tượng khá phổ biến là, không ít doanh nghiệp nhận thấy có những ứng dụng trước kia mình chưa làm, ví dụ, làm việc trực tuyến, sử dụng hệ thống phần mềm tổng hợp (ERP),… thì nay thử áp dụng. Có doanh nghiệp thấy hiệu quả, hài lòng, nhưng cũng có doanh nghiệp không thấy hiệu quả và ngừng lại. Báo cáo thường niên năm 2022 của Cục Phát triển doanh nghiệp thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư về chuyển đổi số cho biết gần 50% doanh nghiệp trong nước đã ngừng áp dụng chuyển đổi số.
“Sự kiện này cho chúng ta thấy điều gì? Có thể khẳng định rằng không ít doanh nghiệp đang nhầm lẫn giữa “tự động hóa” – kết quả của ứng dụng CNTT với “thông minh hóa” – kết quả ứng dụng công nghệ số. Tất cả các doanh nghiệp “tạm ngừng chuyển đổi số” theo báo cáo nêu trên đều chưa thực sự bắt tay vào chuyển đổi số, mà là thử nghiệm áp dụng một vài sản phẩm điện tử hóa (hay tin học hóa). Những sản phẩm này không làm thay đổi phương thức sản xuất của doanh nghiệp, mà chỉ cải thiện thêm cho phương thức sản xuất hiện có. Tóm lại, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam chưa chuẩn bị chu đáo để chủ động dấn thân vào nền kinh tế số toàn cầu”, bà Yến trăn trở.
Vì vậy, muốn nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam trong nền kinh tế số, Phó Chủ tịch HBA cho rằng, trước tiên và quan trọng nhất là nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về bản chất thực sự của chuyển đổi số. Chỉ khi hiểu đúng thì mới làm đúng.
Đặc biệt, giúp doanh nghiệp hiểu rõ chuyển đổi số là quá trình tự thân, doanh nghiệp phải tự làm. Các chuyên gia công nghệ số chỉ cung cấp phương pháp và công cụ thực hiện, còn lại là doanh nghiệp tự lựa chọn con đường chuyển đổi hướng tới thông minh hóa sản xuất kinh doanh và quản lý doanh nghiệp của mình. Đây là quá trình dài và không có điểm dừng, doanh nghiệp chuyển dần từ thấp lên cao tùy thuộc vào mức độ trưởng thành số của mình.
Bên cạnh đó là tham vấn cho các doanh nghiệp lựa chọn một số công cụ và dịch vụ số (như nền tảng số, thương mại số D2C, giải pháp kho thông minh, trợ lý số,…) có thể giúp họ làm quen với phương thức sản xuất kinh doanh mới và kiểm chứng được ngay hiệu quả thông qua việc so sánh với cách làm hiện thời.
Ngoài ra, cần sát cánh cùng doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số, khuyến khích và hỗ trợ xây dựng một số mô hình mẫu về doanh nghiệp chuyển đổi số, ưu tiên một số lĩnh vực mà nhà nước đã chọn trong chiến lược phát triển kinh tế số quốc gia, như nông nghiệp, công nghiệp chế biến, thương mại, du lịch và Logistics.
Cuối cùng là luôn song hành cùng doanh nghiệp để từ thực tiễn triển khai xây dựng doanh nghiệp số, kinh tế số, khi gặp phải những vướng mắc về chính sách quy chế thì kịp thời kiến nghị với chính phủ để tháo gỡ, vì chuyển đổi phương thức sản xuất chắc chắn đụng chạm tới những vấn đề chưa có luật điều phối.
Có thể nói, trong quá trình chuyển đổi số, doanh nghiệp đối diện với rất nhiều thách thức, trong đó, thách thức lớn nhất là thay đổi phương pháp tư duy và tập quán sản xuất kinh doanh đã hình thành từ nhiều chục năm, để đón nhận cách nghĩ, cách làm hoàn toàn mới.
Tuy nhiên, mọi thách thức đều là nhỏ bé trước cơ hội “ngàn năm có một” của từng doanh nghiệp và của cả nền kinh tế nước ta, vì chỉ trong kỷ nguyên số chúng ta mới có cơ hội nhảy vọt nhờ ứng dụng công nghệ số, cho dù xuất phát từ vị trí nào trong nấc thang phát triển.
“Một điều đáng mừng là gần như tất cả các giải pháp công nghệ để phát triển nền kinh tế 4 trong 1 (kinh tế công nghệ cao, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ và kinh tế số) ở nước ta đều đã hiện hữu, Đảng và Chính phủ cũng đã tạo mọi điều kiện cho chuyển đổi số toàn diện, rộng khắp. Phần còn lại tùy thuộc vào sự nỗ lực của chúng ta, của các hiệp hội, cộng đồng và của chính tự thân doanh nghiệp”, bà Yến chia sẻ.
Trần Nguyên