Hiện nay, gần 77% thiết bị ngày nay sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo ở dạng này hay dạng khác. Theo dự báo sẽ có 8,4 tỷ trợ lý giọng nói kỹ thuật số được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo trên thế giới vào năm 2024, lớn hơn dân số toàn cầu. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cũng xác định phải tăng tốc nắm bắt cơ hội để tạo đột phá trong công cuộc chuyển đổi số với trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, điều này cũng khiến nhiều người trẻ có lo lắng rằng máy móc sẽ thay thế công việc của họ trong tương lai.

Hiểu được những thách thức và cơ hội đó, buổi thảo luận với tên gọi “Tên sự kiện này do AI đặt” được tổ chức với sự góp mặt của các diễn giả khách mời có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ nói chung và AI nói riêng: Anh Nguyễn Văn Minh Đức – CEO/ Nhà sáng lập Hekate AI Company; Anh Vũ Hải Nam – CEO/ Nhà sáng lập tMonitor.live; Chị Nguyễn Huỳnh Hoài My – Trưởng bộ phận Prototyping, Amazon; Anh Đinh Khắc Đông (Điều phối) – Chủ tịch Mạng lưới Cựu du học sinh EU tại Việt Nam; Phó Chủ tịch phụ trách kỹ thuật cho Quỹ đầu tư Tài chính WorldQuant.

Buổi
Buổi thảo luận với tên gọi “Tên sự kiện này do AI đặt”

Buổi thảo luận đã tạo cơ hội cho giới trẻ gặp gỡ và chia sẻ các góc nhìn đa chiều về tương lai của AI: Thích ứng với AI, và làm thế nào để biến “thách thức” từ AI thành cơ hội; Giải đáp những “lo ngại phải tiếp xúc với AI khi mình không phải là chuyên gia”; Những câu hỏi mang tính môi trường, xã hội và kinh tế được đặt ra trong bối cảnh AI ngày càng phổ biến; Tầm quan trọng của giáo dục và phát triển kỹ năng, đặc biệt cho thế hệ trẻ; ‘AI tốt hay xấu?’ - tầm quan trọng (vẫn) không thể thiếu của yếu tố con người.

Bên cạnh đó, bạn Thanh Hương – cựu du học sinh Ba Lan đã giúp mọi người có cơ hội nhìn lại hành trình tham quan các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đã được tổ chức trước đó – một trong những hoạt động góp phần củng cố mục tiêu của Liên minh châu Âu hướng đến việc phát triển kỹ năng cho thế hệ trẻ và thúc đẩy sự hợp tác giữa Châu Âu và Việt Nam trong lĩnh vực này.

Trúc Mai