Ứng dụng AI trong việc khám, chữa bệnh đang là xu thế chung của toàn thế giới và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Ngành y tế đang ứng dụng mạnh mẽ công nghệ AI giúp cải thiện và nâng cấp các hoạt động chăm sóc sức khỏe bệnh nhân. Những cải tiến mới của các thiết bị AI, sẽ bổ sung và hoàn thiện cơ sở vật chất cho các bệnh viện, giảm đáng kể khối lượng công việc cho các bác sĩ đồng thời tăng số lượng bệnh nhân được chữa trị.
AI giúp nâng cao khả năng chẩn đoán bệnh và diễn biến của các biến chứng có thể cải thiện đáng kể kết quả chữa trị, ngay cả những căn bệnh hiểm nghèo. Các thuật toán cùng khả năng tổng hợp dữ liệu phức tạp, cho phép thiết bị AI đưa ra các liệu pháp điều trị phù hợp với cấu trúc gen của mỗi bệnh nhân, chi phí chữa trị cũng sẽ giảm đáng kể. Theo các chuyên gia, dùng AI trong phẫu thuật giúp tăng tỷ lệ thành công cho mỗi ca. Robot không chỉ hỗ trợ quá trình thực hiện, mà còn phân tích dữ liệu của bệnh nhân, đưa ra những giải pháp ứng phó hiệu quả nhờ kỹ thuật học sâu.
Bên cạnh đó, AI còn giúp quản lý hồ sơ y tế và cơ sở dữ liệu, theo dõi sức khỏe, tư vấn và quản lý dược phẩm... Có thể sử dụng AI để tư vấn y tế dựa trên lịch sử y tế cá nhân và kiến thức y học thông thường. Bệnh nhân có thể báo cáo các triệu chứng của họ vào ứng dụng, sử dụng nhận dạng giọng nói để so sánh với các cơ sở dữ liệu về bệnh tật sẵn có. Sau đó, ứng dụng sẽ cung cấp những hành động đề xuất tới lịch sử tài khoản y tế của người dùng.
Theo các chuyên gia, ứng dụng giải mã gen trong điều trị và chăm sóc sức khỏe là xu hướng chung của thế giới, hiện thị trường giải mã gen thế giới cũng rất lớn. Tại nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc..., việc ứng dụng AI vào giải mã gen trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng có vai trò quan trọng, tuy nhiên, trên thế giới việc ứng dụng giải mã gen cũng gặp không ít thách thức.
PGS. TS. Nguyễn Trường Thịnh, Viện trưởng Viện Công nghệ thông minh và tương tác, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, những năm gần đây, nền tảng dữ liệu phong phú và sự lớn mạnh của đội ngũ nghiên cứu có trình độ cao đã giúp các ứng dụng về AI ngày càng phát triển.
Tuy nhiên, việc ứng dụng AI vào lĩnh vực y tế còn hạn chế do AI hoạt động hiệu quả phụ thuộc lớn vào nguồn dữ liệu chưa được chuẩn hóa và việc chia sẻ dữ liệu còn hạn chế giữa các cơ sở khám, chữa bệnh gây khó khăn trong việc tích hợp, liên thông và chia sẻ dữ liệu trong tương lai. Theo ông Thịnh, cần thống nhất cơ sở dữ liệu để từ đó có các giải pháp khai thác phù hợp, hiệu quả.
Ông Thịnh cũng cho rằng, mặc dù AI có nhiều lợi ích, AI có thể thay thế một số hoặc phần nào công việc của bác sỹ, ví dụ như chẩn đoán căn bệnh hoặc đưa ra những liệu pháp để có thể chữa trị bệnh. Tuy nhiên, có những thứ bắt buộc phải là con người thực hiện. Trong tất cả các khâu đều cần có con người, ví dụ tương tác giữa các khâu, xử lý tình huống trong quá trình chữa trị.
Với sự hỗ trợ của AI trong lĩnh vực y tế, sẽ giúp bác sỹ chăm sóc sức khỏe và phát hiện các dấu hiệu bệnh nhằm mục đích chữa trị và nâng cao sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, cũng cần có những giải pháp để khắc phục các hạn chế hiện tại...
Minh Anh(T/h)