Ảnh minh họaẢnh minh họa

Tại diễn đàn, ông Ngô Xuân Nam - Phó giám đốc Văn phòng Thông báo điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (Văn phòng SPS Việt Nam) cho biết, trong 3 năm gần đây, xuất khẩu nông sản Việt Nam vào Trung Quốc có xu hướng chững lại, một số mặt hàng trái cây, thủy sản sụt giảm đáng kể trong 2 năm qua do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Theo ông Nam, thời gian gần đây Trung Quốc cũng gia tăng các quy định nhập khẩu. Theo thống kê của Văn phòng SPS Việt Nam, từ tháng 1 tới tháng 1/2021, có tới 42 thông báo thay đổi liên quan tới an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật của Trung Quốc.

Đáng lưu ý có thông báo GB 2763-2021 về việc thay đổi mức dư lượng, Trung Quốc quy định 10.092 mức giới hạn dư lượng tối đa với 564 loại thuốc bảo vệ thực phẩm, trong danh mục 376 thực phẩm. Đồng thời, Trung Quốc cũng thiết lập 1.742 giới hạn dư lượng cho 87 loại thuốc bảo vệ thực vật chưa được đăng ký sử dụng tại Trung Quốc.

Với các quy định mới của Trung Quốc, ông Nam kiến nghị các doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức, cách làm để đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu như an toàn thực phẩm, nguồn gốc, bao bì nhãn mác...

Theo ông Lê Thanh Hòa - Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, về tổng thể hai Lệnh 248, 249 không tác động nhiều đến các doanh nghiệp nông nghiệp. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp phải chú ý và có những chính sách điều chỉnh sớm từ bây giờ.

Với Lệnh 248, chỉ yêu cầu đăng ký với những doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm vào Trung Quốc.

Với Lệnh 249, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm ngay cả khi sản phẩm đã xuất khẩu sang Trung Quốc. Do đó, ông lưu ý các doanh nghiệp lựa chọn những đối tác đảm bảo, tin cậy nhằm giúp việc lưu trữ hồ sơ tối thiểu 6 tháng, bên cạnh các yếu tố như kho bãi, vận chuyển.

Trang Nguyễn