Theo Dự án Luật, việc quy định DN phải đóng góp thêm 1 - 2% trên giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt vào Quỹ Nâng cao sức khỏe nhân dân là không phù hợp với Nghị quyết của Chính phủ, làm cho DN đã khó càng khó hơn.
Mức tiêu thụ đồ uống có cồn bình quân đầu người Việt Nam (trên 15 tuổi) đã tăng từ 3,8 lít/người/năm trong giai đoạn 2003-2005 lên tới 6,6 lít/người/năm giai đoạn 2008-2010, tức là đã tăng tới 74%. Dự báo, Việt Nam có mức độ tiêu thụ lên tới 7 lít/người/năm vào năm 2025. Trong khi, số lít cồn nguyên chất tiêu thụ bình quân của thế giới là 6,2 lít/người (2008-2010) và mức độ tiêu thụ dường như không tăng trong 15 năm qua.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, phí tổn kinh tế do rượu, bia chiếm từ 1,3-12% GDP của mỗi quốc gia, trong đó chi phí gián tiếp để giải quyết hậu quả lớn hơn nhiều lần so với chi phí trực tiếp. Nếu chỉ lấy mức thấp nhất là 1,3% GDP, thì tổn thất kinh tế do rượu, bia tại Việt Nam năm 2016 cũng lên tới gần 60.000 tỉ đồng (gấp trên 1,5 lần mức đóng góp của ngành rượu, bia cho ngân sách Nhà nước).
Ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, người sử dụng rượu, bia bị tổn hại nghiêm trọng về sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần, bị suy giảm các vai trò xã hội (trong công việc, trong gia đình, trong các mối quan hệ với những người xung quanh do bỏ bê công việc, suy giảm năng suất lao động...). Người dùng không kiểm soát được hành vi, dẫn đến bạo lực, tai nạn giao thông, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe với nhiều căn bệnh nguy hiểm…
Đại diện giới DN, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia, rượu và nước giải khát (VBA) cho rằng, hiện các DN sản xuất rượu, bia đang gặp rất nhiều khó khăn như giá nguyên liệu tăng, môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt và phải chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt là 65%. Chính phủ cũng đã có chủ trương giảm thiểu khó khăn cho DN, trong đó có nội dung về giảm chi phí kinh doanh cho DN.Do đó, nếu theo Dự án Luật, việc quy định DN phải đóng góp thêm 1 - 2% trên giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt vào Quỹ Nâng cao sức khỏe nhân dân là không phù hợp với Nghị quyết của Chính phủ, làm cho DN đã khó càng khó hơn.
Quỹ Nâng cao sức khoẻ nhân dân là đề xuất của Bộ Y tế nằm tại Điều 19 của Dự án Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia. Quỹ này nếu được ra đời, sẽ có nền tảng là Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá. Kinh phí của quỹ đến chủ yếu từ khoản đóng góp bắt buộc của cơ sở sản xuất, nhập khẩu bia, rượu và được tính theo tỉ lệ phần trăm trên giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt.
Trong tờ trình gửi Chính phủ, Bộ Y tế ước tính nguồn kinh phí từ Quỹ Nâng cao sức khỏe nhân dân hàng năm sẽ đóng góp khoảng 360 tỉ đồng từ khoản đóng góp bắt buộc (từ các DN sản xuất và nhập khẩu rượu, bia) cho các hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia, thuốc lá.
Nhiều DN cho rằng, với điều kiện Việt Nam, việc ban hành thêm quỹ sẽ gây tốn nguồn lực. Hơn nữa, việc đánh đồng rượu, bia với thuốc lá là không phù hợp, trong khi chính sách, chủ trương cho 2 ngành hàng này là hoàn toàn khác nhau... Đặc biệt, theo đại diện giới DN, không cần thiết ban hành Luật Phòng, chống, tác hại rượu, bia, bởi hiện nay hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành quy định về sản xuất, kinh doanh và sử dụng rượu, bia khá đầy đủ, có tới 85 văn bản từ Luật, Nghị định, Nghị quyết, Chỉ thị, Thông tư…
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, hiện nay chưa có quốc gia nào trên thế giới ban hành Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Có một số ít nước ban hành Luật Kiểm soát rượu, bia (Thái Lan) hoặc Luật về kiểm soát chất có cồn (Lithuania)…
Phản biện lại vấn đề này, Bộ Y tế cho rằng, tên gọi luật của các quốc gia có thể khác nhau, nhưng mục đích lại giống nhau, đó là góp phần giảm tiêu dùng rượu, bia ở mức nguy hại và bảo vệ sức khỏe người dân và đều quy định các biện pháp giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại. Theo Bộ Y tế, một trong những quan điểm xây dựng luật này, là Nhà nước không cấm sản xuất và sử dụng rượu, bia, nhưng hạn chế và không khuyến khích người tiêu dùng sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác để bảo vệ sức khỏe. Luật sẽ đảm bảo tôn trọng, bảo đảm quyền sản xuất, kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật. Đồng thời xác định rõ ràng trách nhiệm xã hội của tổ chức, cá nhân kinh doanh rượu, bia đối với sức khoẻ cộng đồng.
Theo dự kiến, Dự án Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia sẽ trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 6, diễn ra vào tháng 10/2018.
Bảo Ngọc T/h