Đã xưa rồi cái thời doanh nghiệp (DN) công nghệ “khát” nhân sự. Đến giờ, đại diện 1 DN phải thốt lên: "Chúng tôi đang chết đói nhân sự. Chúng tôi rất cần nhân sự công nghệ thông tin cho việc mở rộng quy mô, công suất của nhà máy, đồng thời giảm tải công suất làm việc cho người lao động, giúp họ có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động", ông Đặng Văn Đảm, Tổng Giám đốc Công ty TNHH sản xuất Thái Bình Dương Việt Nam (Duy Tiên, Hà Nam) nói.
Theo ông Đảm cho biết, do nhu cầu mở rộng dây chuyền phục vụ sản xuất, kinh doanh, cung ứng thiết bị viễn thông cho đối tác trong nước và xuất khẩu nên DN rất cần tuyển 8 nhân sự chất lượng cao cho lĩnh vực CNTT phụ trách điều hành hệ thống máy chủ, kết nối các hoạt động giao dịch quốc tế với mức lương khởi điểm lên đến 23 triệu/người/tháng. Tuy nhiên, đến nay sau hơn 6 tháng, nhưng DN này mới chỉ tuyển được 03 người.
Không chỉ các DN sản xuất "khát" nhân sự công nghệ thông tin mà ngay cả các DN chuyên về công nghệ, nơi được cho là môi trường làm việc lý tưởng của dân công nghệ, cũng đang "chết đói" nhân sự. Không ít DN chấp nhận trả mức lương từ 800 đến 2.000 USD/người/tháng, nhưng việc tuyển dụng vẫn gặp nhiều khó khăn.
Anh Ngô Xuân Minh, Giám đốc Công ty TNHH truyền thông Ecom Việt Nam cho biết, do hoạt động trong lĩnh vực chuyên cung cấp các giải pháp về phần mềm cho DN nhỏ và vừa trong quản lý nhân sự, làm SEO, marketing, truyền thông nội bộ, điện toán đám mây, Internet vạn vật - IoT và trí tuệ nhân tạo (AI) nên DN của anh luôn khát nhân sự công nghệ thông tin giỏi.
“Khó khăn lắm năm 2021, công ty chúng tôi mới tuyển dụng được 02 vị trí chuyên sâu về điện toán đám mây và Internet vạn vật – IoT. Để giữ chân những người này, ngoài mức lương 18 triệu đồng/người/tháng, công ty đóng bảo hiểm và phải chi trả tiền ăn, tiền điện thoại, xăng xe..., tổng cộng lên gần 24 triệu đồng/người/tháng.
Hiện công ty chúng tôi có nhu cầu tuyển thêm khoảng 04 nhân sự nữa, nhưng hơn 03 tháng nay vẫn chưa được, dù thông báo tuyển người đã treo khắp trên zalo, facebook và bảng thông báo của công ty cũng như chuyển đến các công ty nhân sự. Chúng tôi hy vọng với mức thu nhập khoảng 20 triệu đồng cho nhân sự công nghệ thông tin trong bối cảnh hiện nay là phù hợp và sẽ tuyển được người trong thời gian tới”, anh Minh nói.
Có thể thấy, thiếu nhân sự đang khiến hầu hết các doanh nghiệp công nghệ đau đầu tìm cách ứng phó và chưa biết bao giờ mới hết "chết đói". Đại diện Công ty cổ phần Phần mềm quản lý doanh nghiệp (FAST) tại Hà Nội cho hay, doanh nghiệp hiện có hơn 500 cán bộ, nhân viên phục vụ cho hơn 38.000 khách hàng và đang trở nên quá tải với mỗi người lao động. Cuối năm ngoái, đơn vị này đã phải động viên người lao động làm việc với khẩu hiệu "hết việc chứ không hết giờ" và tăng mức lương thêm 3 triệu đồng/người/tháng.
Năm nay, do nhu cầu của khách hàng ngày một tăng cao, người lao động không thể kham nổi vì cường độ làm việc quá tải, một số nhân sự đã phải "bỏ của chạy lấy người" để xin nghỉ việc. Để giải quyết thực trạng thiếu nhân sự ngay từ đầu năm, DN đã lên phương án tuyển 50 nhân sự, tuy nhiên, sau hơn 02 tháng cũng chỉ có 7 bộ hồ sơ ứng tuyển. "Nếu không tuyển được nhân sự mới thì nguy cơ người cũ tiếp tục xin nghỉ càng khiến DN khó khăn hơn trong việc duy trì hoạt động chứ chưa nói đến việc mở rộng quy mô và đối tượng khách hàng", vị đại diện này nói.
Trong khi đó, đại diện DN cung cấp nền tảng chuyển đổi số - Công ty cổ phần Misa - cho biết, phần mềm kế toán Misa được DN tin dùng với hơn 170.000 khách hàng là tổ chức đang sử dụng. Với lượng khách hàng ngày càng đông, công việc ngày càng nhiều, từ đầu năm đến nay, DN đăng tin tuyển hàng trăm nhân sự với thu nhập khá cao.
Cụ thể, chuyên viên hệ thống báo cáo quản trị, mức lương 25 triệu đồng/tháng; chuyên gia bán hàng quốc tế mức lương 2.000 USD; chuyên gia tiếp thị phần mềm với mức lương thỏa thuận; nhân viên phát triển khách hàng DN mức lương 15 triệu đồng/tháng… Tuy nhiên, đến nay sau hơn 02 tháng, lượng người đến nộp hồ sơ ứng tuyển chưa được 1/10. “Nếu không tuyển đủ người, kế hoạch mở rộng của DN có thể không đạt được như kỳ vọng”, vị đại diện này nói.
PGS.TS Phạm Quang Hà, chuyên gia về công nghệ số cho biết, hầu hết DN công nghệ thông tin đang thiếu trầm trọng nhân sự, đặc biệt là những người giỏi thực sự. Trong khi đó, để thu hút được nhân lực công nghệ thông tin về làm việc cho các DN hiện không đơn giản, vì mức thù lao cũng như chế độ làm việc cho đội ngũ này chưa như mong đợi.
Mặt khác, nhân lực công nghệ thông tin thường luôn có khát vọng startup, chỉ chấp nhận đi làm thuê một thời gian ngắn rồi sẽ nghỉ việc để mở DN riêng, thực hiện hoài bão của riêng mình. “Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến các DN công nghệ ngày càng thiếu trầm trọng nhân sự giỏi, phải đau đầu tìm kiếm nhưng chưa có lời giải”, ông Hà nói.
Lê Pháp (T/h)