Đây là lần đầu tiên Việt Nam công bố thông tin về một báo cáo độc lập với hệ thống Một cửa quốc giaĐây là lần đầu tiên Việt Nam công bố thông tin về một báo cáo độc lập với hệ thống Một cửa quốc gia

Mục đích của báo cáo là nhằm thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp thông qua việc xác dịnh các vấn đề cụ thể trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính xuất nhập khẩu.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam công bố thông tin về một báo cáo độc lập với hệ thống một cửa quốc gia do Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) chủ trì việc triển khai và Tập đoàn Viettel phát triển giải pháp công nghệ.

Phát biểu tại hội thảo, bà Vũ Thị Mai - Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết: Báo cáo được tổng hợp và phản ánh ý kiến của gần 3.100 doanh nghiệp trong tổng số 34.000 doanh nghiệp về 12 thủ tục hành chính, dịch vụ công có tần suất thực hiện nhiều nhất trên 188 thủ tục (tại thời điểm tiến hành khảo sát vào cuối năm 2019 và hiện nay là 198 thủ tục) trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Những thủ tục trong diện đánh giá thuộc phạm vi quản lý nhà nước của 5 bộ, ngành (trong 13 bộ, ngành) bao gồm Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, để công bằng cần thực hiện khảo sát toàn bộ 198 thủ tục nhưng cần thời gian và nguồn lực nên ban đầu triển khai trên 12 thủ tục. Kết quả khảo sát doanh nghiệp cho thấy, đa số các chức năng cơ bản trên Cổng một cửa quốc gia hiện hoạt động tốt. Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá dễ/tương đối dễ thực hiện đối với các tính năng cơ bản như “tạo tài khoản và đăng nhập”, “xem và in hồ sơ” lần lượt là 95% và 93%.

Đa số các doanh nghiệp cho rằng, các chức năng được cung cấp trên Cổng một cửa quốc gia do Viettel Solutions – thành viên Tập đoàn Viettel triển khai hoạt động tương đối tốt. Những nhóm tính năng cơ bản như: tạo tài khoản và đăng nhập, xem và in hồ sơ hay quản lý hồ sơ dễ thực hiện đa số doanh nghiệp.

Việc quản lý hồ sơ tương đối thuận tiện ở các thao tác cơ bản như xem trạng thái hồ sơ, xem lịch sử hồ sơ, tìm kiếm hồ sơ hay khai báo thông tin. Ở các chức năng này, tỷ lệ doanh nghiệp thuận lợi khi thực hiện đều đạt từ 90% trở lên.

Hệ thống Một cửa quốc gia đi vào triển khai đã ghi nhận những thay đổi tích cực trên nhiều phương diện về thời gian thưc hiện thủ tục hành chính, giảm thiểu số lượng nhân sự thủ tục hanh chính.

Đến nay, hệ thống đã triển khai được 198 thủ tục trên tổng số 250 thủ tục hành chính, kết nối 13 bộ ngành, cấp phép cho hơn 3 triệu hồ sơ của hơn 39.000 doanh nghiệp, góp phần tạo thuận lợi thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp.

Riêng với thông quan, thời gian thực hiện đã giảm từ 7 – 8 ngày. Tổng tiền tiết kiệm lên đến hơn 4,55 tỷ USD, tương ứng 106,9 nghìn tỷ đồng. Số lượng nhân sự của 9/12 thủ tục hành chính tại doanh nghiệp đã giảm 1/2 so với trước đây.

Về cơ bản việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia đã mang lại những thay đổi tích cực về thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, tuy nhiên sự thay đổi này không đồng đều giữa các thủ tục và các bộ ngành.

Để khắc phục tình trạng đó, ông Nguyễn Mạnh Hổ - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel – đơn vị triển khai hệ thống Một cửa quốc gia chia sẻ: “Trong thời gian tới, Viettel sẽ nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp công nghệ 4.0 mới như: AI, Bigdata và Blockchain… để nâng cao chuỗi giá trị của giải pháp một cửa quốc gia. Với các nền tảng công nghệ này, chúng tôi đều đã sẵn sàng”.

Thái Bình