Bát nháo thị trường gas

Thời gian gần đây, ngành gas đang bộc lộ nhiều bất cập, cạnh tranh không lành mạnh, nạn gas giả, gas lậu tràn lan khiến doanh nghiệp đau đầu còn người tiêu dùng phải chịu mức giá bất hợp lý.

Tại Nghệ An, ngành gas cũng đang “chịu trận” với vấn nạn này. Đặc biệt là gas nhái nhãn hiệu, gas không đủ trọng lượng… Phần lớn người tiêu dùng đang có hành vi theo kiểu “tiện đâu mua đấy”, chưa phân biệt được gas chính hãng, gas bị nhái nhãn hiệu, gas bị làm giả… khiến họ phải gánh mức giá quá cao so với sản phẩm thực tế họ đang sử dụng. Những vi phạm này đang diễn ra khá phổ biến, gây mất an toàn xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng cũng như hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Lực lượng QLTT phát hiện, thu giữ hàng hoá giả nhãn hiệu và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 6 triệu đồng đối với một cơ sở kinh doanh tại TP. VinhLực lượng QLTT phát hiện, thu giữ hàng hoá giả nhãn hiệu của gas Petrolimex 

Bà Phạm Thị Loan, cư dân Chung cư Nam Thanh (phường Cửa Nam, TP. Vinh, Nghệ An) nói, “gia đình tôi dọn về chung cư này ở đây đã 4 năm rồi, khi mới đến có mấy người tiếp thị gas vào phát tờ rơi và giới thiệu gas với nhiều ưu đãi như: Giá thấp hơn thị trường, nhiều phần quà kèm theo… Vì vậy, khi nào hết gas, tôi cứ gọi điện thoại ghi trên tờ rơi thôi chứ thực tế cũng không thể phân biệt được gas nào là thật hay nhái”.

Để ghi nhận thị trường, tại TP. Vinh (Nghệ An) phóng viên đã có mặt một số đại lý, cửa hàng kinh doanh gas. Có mặt tại một cơ sở trên đường Trần Hưng Đạo, chủ cơ sở cho biết họ đang bán nhãn hàng “gas Petrolimex” tuy nhiên qua quan sát, vỏ bình lại mang một nhãn hàng khác, niêm phong màng co cũng không có thông tin về tem chống hàng giả của hãng gas Petrolimex… Giá gas ở đây cũng bán thấp hơn so với giá mà các công ty khác đang bán ra. Cụ thể, thời điểm giữa tháng 11/2019, trong khi giá gas Petrolimex… đang bán với giá 350 ngàn/bình 12kg thì cơ sở này chỉ bán 300 ngàn đồng/bình. Cũng với hãng gas này, một đại lý gas cách đó chưa đến 1km lại bán với giá 280 ngàn đồng/bình với cùng trọng lượng và “thương hiệu”!.   

Lực lượng QLTT phát hiện, thu giữ hàng hoá giả nhãn hiệu và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 6 triệu đồng đối với một cơ sở kinh doanh tại TP. VinhLực lượng QLTT phát hiện, thu giữ hàng hoá giả nhãn hiệu và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 6 triệu đồng đối với một cơ sở kinh doanh tại TP. Vinh

Không chỉ riêng với gas Petrolimex mà hầu hết các loại khác như: Total, Shell gas, Thăng long gas, Sai Gon gas, Ocean gas... thì mỗi nơi đều có giá bán khác nhau. Thậm chí, những đại lý, cửa hàng này đều tự xưng là “đại lý chính thức” được uỷ quyền phân phối.

Để nắm thêm thông tin, PV tiếp tục gọi đến các số điện thoại được in trên các tờ rơi, trang mạng xã hội của các đại lý, cửa hàng kinh doanh gas trên địa bàn TP. Vinh, chúng tôi giật mình trước sự chênh lệch về giá giữa các đơn vị, thậm chí là cùng “nhãn hàng”. Điều đáng nói là sự chênh giá này đã diễn ra trong thời gian dài mà không hề có sự can thiệp của các cơ quan chức năng.

Lý giải về hiện tượng trên, Ông Phan Bá Đạt – Giám đốc Chi Nhánh Công Ty TNHH Gas Petrolimex Hải Phòng Tại Hà Tĩnh cho rằng: Đối với những đại lý nhỏ, không chính thức thì chỉ được hưởng ít quyền lợi, nên thường đẩy giá bán cao hơn so với giá quy định từ 10.000 - 20.000đồng/bình các loại, tuỳ theo từng địa bàn, sự cạnh tranh. Bên cạnh đó, tình trạng giá gas không đồng nhất một phần nữa là do gas lậu (gas có chất lượng, số lượng không đảm bảo) đang nhái các nhãn hiệu lớn, có uy tín lộng hành trên thị trường.

 Được biết, hiện trên thị trường, giá Gas của Petrolimex có mức chênh lệch cao hơn một số hãng Gas khác khoảng 50 - 70 ngàn đồng/bình loại 12kg. Vì thế, thời gian qua, tình trạng giả nhãn hiệu của hãng gas này diễn ra khá phức tạp, tinh vi.

Khách hàng cần tỉnh táo hơn

Mới đây, ngày 22/10/2019, lực lượng chức năng Nghệ An phát hiện nhân viên thuộc đại lý Gas Osin do Nguyễn Quang Thắng (trú tại số 58 Lê Lợi, TP Vinh, Nghệ An) làm chủ đang vận chuyển 2 bình gas mang nhãn hiệu Gas Petrolimex nhưng không có niêm phong màng co cũng như tem chống hàng giả như sản phẩm của nhà sản xuất. Qua tham vấn đại diện hãng Gas Petrolimex tại Nghệ An cũng như làm việc với chủ đại lý Gas Osin, Cục quản lý thị trường Nghệ An khẳng định đây là hàng hoá giả nhãn hiệu và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 6 triệu đồng theo quy định tại điểm a, khoản 1, điều 12, Nghị định số 99/2013 của Chính Phủ đối với cơ sở kinh doanh này. Đồng thời, áp dụng hình thức phạt bổ sung là đình chỉ kinh doanh trong thời gian 2 tháng.

Một tờ rơi giả nhãn hàng gas Petrolimex của tổng công ty xăng dầu Nghệ Tĩnh nhưng thực tế hiện không còn tên công ty và logo như trên vỏ bình quảng cáo.Một tờ rơi giả nhãn hàng gas Petrolimex của tổng công ty xăng dầu Nghệ Tĩnh nhưng thực tế hiện không còn tên công ty và logo như trên vỏ bình quảng cáo.

Trước đó, vào chiều ngày 25/7/2019, Đội Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ Công an TP Vinh (Nghệ An) cũng từng phát hiện một cơ sở kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng trái phép. Tại hiện trường, kho chứa gas này có 129 bình loại 12 kg, trong đó có 10 bình đang còn khí gas. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng xác định đây là cơ sở kinh doanh khí gas trái phép nên đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ số tang vật.

Tình trạng chiết xuất gas trái, kinh doanh trái phép, nhái nhãn hiệu đã từng được cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An phát hiện, xử phạt, đình chỉ thậm chí là rút giấy phép. Tuy nhiên, thực tế này vẫn diễn ra bát nháo khiến doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này rất “đau đầu”. Theo ghi nhận, hiện thị trường gas ở Việt Nam đang được coi là sôi động nhất thế giới. Tại Thái Lan có 5 doanh nghiệp, ở Malaysia cũng chỉ có 6 doanh nghiệp thì ở Việt Nam có đến hơn 70 doanh nghiệp đầu mối cung cấp gas. Ngoài việc mỗi doanh nghiệp có các hệ thống phân phối riêng, đó là chưa nói đến sự tham gia một cách phi pháp của các đại lý, cơ sở kinh doanh khác để trục lợi đang khiến cho thị trường gas khá hỗn loạn.

Tờ rơi quảng cáo là nhãn hàng gas Petrolimex nhưng thực tế vỏ bình lại là của một hãng gas khác được bán với giá thấp hơn.Tờ rơi quảng cáo là nhãn hàng gas Petrolimex nhưng thực tế vỏ bình lại là của một hãng gas khác được bán với giá thấp hơn.

Ông Trần Đăng Ninh – Quyền Cục trưởng Cục QLTT Nghệ An cho biết: Tình trạng chiếm dụng vỏ bình, nhái nhãn mác của các sản phẩm gas có thương hiệu là thực tế khá phổ biến. Hàng năm, lực lượng QLTT cũng đã phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, phát hiện, thu giữ, đình chỉ, xử phạt nhiều cơ sở, đại lý kinh doanh trên địa bàn. Bên cạnh đó, hiệp hội gas Nghệ An có thông qua việc cho phép các đơn vị kinh doanh được sử dụng vỏ bình của nhau nên rất khó trong việc kiểm soát, xử lý.

Trước thực trạng nhãn hãng gas Petrolimex bị chiếm dụng vỏ bình hoặc nhái nhãn hiệu để trục lợi, ông Phan Bá Đạt – Giám đốc Chi Nhánh Công Ty TNHH Gas Petrolimex Hải Phòng Tại Hà Tĩnh khuyến cáo: Khách hàng cần tỉnh táo để tránh mua phải hàng nhái, sản phẩm gas kém chất lượng, không đủ trọng lượng. Do sang chiết thủ công nên trọng lượng của bình thường rơi vào tình trạng thừa hoặc thiếu cân.

Trong trường hợp sang triết gas vào các bình không đúng với thương hiệu, hoặc chiếm dụng vỏ bình của hãng khác dấu hiệu nhận biết là bị cắt tai xách, thay màu sơn, thay số sêri. Thậm chí là bị mài chữ dập nổi để thay vào một thương hiệu khác. Ngoài ra, khách hàng cần chú ý đến logo, niêm chì, niêm màng co không đồng bộ. Khách hàng cũng có thể kiểm tra bằng việc quét mã QR code và nhập số PIN để nhận biết hàng thật-nhái. Khách hàng cũng có thể nhắn tin đến số tổng đài để nhận kết quả từ tổng đài của hãng.

Lê Quyết