Doanh nghiệp ngành gỗ vượt bão Covid-19

Dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, nhưng các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu đã cho thấy sự thích ứng nhanh với tình hình mới.

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong tháng 12/2021 đạt 1,43 tỷ USD, tăng 12,4% so với tháng trước đó và tăng 6,84% so với tháng 12/2020. Lũy kế cả năm 2021, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 14,8 tỷ USD, tăng 19,7% so với năm 2020, trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 11,07 tỷ USD, tăng 16,1% so với năm 2020.

Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI đạt 7,464 tỷ USD, tăng 22,24% so với năm 2020 tăng cao so với mức 19,7% của toàn ngành; chiếm tới 50,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành.

Trong quý III/2021, bức tranh ngành gỗ trở nên ảm đạm khi chịu tác động của dịch Covid-19, khiến doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc thu hẹp quy mô sản xuất. Người lao động không có việc làm, rời công ty trở về quê; việc chậm trễ trong giao hàng cho đối tác, kim ngạch xuất khẩu lao dốc, tại thời điểm này ngành gỗ gần như khó đạt được mục tiêu đã đặt ra.

Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo kịp thời từ Chính phủ chuyển sang chiến lược thích ứng an toàn với dịch, cùng với sự nỗ lực của từng doanh nghiệp trong duy trì các hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong quý IV/2021 ngành gỗ đã bứt phá và đạt kết quả ấn tượng trong năm 2021.

Mặc dù trong tháng 1 hoạt động xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ bị gián đoạn do bắt đầu tuần nghỉ Tết Nguyên Đán, nhưng giá trị xuất khẩu mặt hàng này vẫn tăng mạnh.

Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 01/2022 đạt 1,5 tỷ USD, tăng 8% so với tháng 12/2021 và tăng 14% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 1,1 tỷ USD, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm 73% tổng kim ngạch.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường chính đều tăng, trong đó dẫn đầu là thị trường Mỹ với 928 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2021. Tiếp theo là thị trường Nhật Bản đạt 153 triệu USD, tăng 16%; Trung Quốc đạt 134 triệu USD, tăng 27%.

Dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, nhưng các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu đã cho thấy sự thích ứng nhanh với tình hình mới
Dù gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, nhưng các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu đã cho thấy sự thích ứng nhanh với tình hình mới.

Để ngành gỗ tăng trưởng bứt phá

Năm 2022 nhiều thuận lợi để ngành gỗ tăng trưởng bứt phá nhờ kinh tế toàn cầu dần phục hồi tăng trưởng sau đại dịch Covid-19, ngành xây dựng tại nhiều thị trường tái khởi động, thúc đẩy nhu cầu về đồ nội thất tăng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Việt cũng đang tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA, đồng thời chủ động về công nghệ sản xuất, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, cơ cấu sản phẩm.

Số liệu thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy bức tranh xuất khẩu các sản phẩm lâm sản, trong đó tập trung vào sản phẩm gỗ khá tích cực ngay trong tháng đầu năm, đạt 1,55 tỷ USD, tăng 8,3% so với tháng trước và tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước.

Với việc mở cửa hoàn toàn các đường bay quốc tế từ ngày 15/02/2022, việc giao thương với các nước sẽ thuận lợi hơn, điều này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng cho nhiều ngành, trong đó có ngành chế biến gỗ.

Các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam đang tập trung vào các dòng sản phẩm đem lại giá trị cao và các thị trường mục tiêu, với kỳ vọng thị trường Mỹ và EU có thể tăng đơn hàng trong năm 2022 do sức mua trên các thị trường này đang phục hồi tốt. Sản phẩm gỗ từ Việt Nam đang có lợi thế cạnh tranh nhờ các hiệp định thương mại tự do với nhiều quốc gia, khu vực kinh tế.

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, doanh nghiệp ngành gỗ đang bước vào năm kinh doanh mới với tinh thần hứng khởi. Để hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành, Bộ đang có kế hoạch tổ chức các hội nghị về quy hoạch và xây dựng vùng nguyên liệu gỗ và lâm sản ngoài gỗ trong bối cảnh thị trường quốc tế ngày càng yêu cầu minh bạch nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu gỗ.

Theo kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản ngoài gỗ giai đoạn 2021-2025 đạt từ 18 - 20 tỷ USD, tiêu thụ lâm sản thị trường trong nước đạt 5 tỷ USD năm 2025.

Hà Trần