Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ. (Ảnh: internet)

Báo cáo của Hiệp hội Chế biến gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFORES) vừa gửi Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, năm 2020, giá trị xuất khẩu ngành gỗ đạt 12,37 tỷ USD, cần khoảng từ 650.000 - 700.000 container rỗng. Dự kiến, năm 2021, với giá trị xuất khẩu khoảng 14 tỷ USD, sẽ cần trên 800.000 container; lượng container cần sử dụng sẽ tăng từ 1,2 - 1,5 lần so với năm trước. Bên cạnh đó, theo ghi nhận từ các doanh nghiệp, giá cước vận tải biển sang các thị trường trọng điểm xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam biến động rất mạnh. Đối với thị trường Mỹ, dự kiến, năm 2021, xuất khẩu đồ gỗ sang thị trường này sẽ đạt trên 7,8 - 8,0 tỷ USD, ước cần khoảng 500 nghìn container. Trong khi đó, giá cước vận tải biển dự báo tăng cao trong năm nay, gây ảnh hưởng đến DN xuất khẩu gỗ.

Đối với thị trường EU, giá cước vận tải biển tăng từ 400 - 500 USD/container ở chiều nhập khẩu, cước trung bình thời điểm tháng 11/2020 ở mức 1.100 USD/container 40 feet thì tới tháng 3/2021 tăng lên 1.500 USD/container 40 feet. Thị trường Hàn Quốc, cước trung bình ở thời điểm hiện tại từ 1.300 - 1.400 USD/container 40 feet, trong khi trước tháng 3/2020 ở mức từ 100 - 150 USD/container 40 feet.

Hiện, tình trạng thiếu container rỗng đã bớt căng thẳng ở cả chiều xuất và nhập. Tuy nhiên, VIFORES ước tính, ngành gỗ sẽ vẫn thiếu khoảng 15 - 20% container rỗng. Nếu tình trạng này còn kéo dài sẽ gây thiệt hại không nhỏ. Đối với ngành gỗ, hầu hết các doanh nghiệp đều xuất khẩu theo giá FOB, sự biến động về giá cước tàu được hai bên cùng thỏa thuận và chia sẻ. Tuy nhiên, với nhu cầu ngày càng tăng cao, việc tăng giá cước tàu biển và thiếu container rỗng sẽ làm giảm giá trị xuất khẩu của ngành, giảm sức cạnh tranh với các thị trường khác; trong khi đó, Việt Nam chưa có hãng tàu đủ lớn để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước xuất khẩu.

 Hà Trần