Nhiều TĐ, TCT, Công ty mẹ “ôm” số nợ ngàn tỷ
Doanh thu, lợi nhuận tăng
Theo Báo cáo, các chỉ tiêu về tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2017 của các DNNN đều xu hướng tăng so với 2016. Tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2017, có 526 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Tổng doanh thu của các DNNN đạt 1.605.050 tỷ đồng, tăng 8% so với thực hiện năm 2016. Lợi nhuận kế toán trước thuế đạt 167.579 tỷ đồng, tăng 26% so với năm trước.
Số liệu báo cáo hợp nhất về tổng tài sản của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ - công ty con (DNNN) là 2.776.384 tỷ đồng, tăng 2% so với thực hiện năm 2016. Trong cơ cấu về tài sản, tỷ trọng tài sản cố định chiếm bình quân là 39%.
Báo cáo của DNNN, công ty mẹ trong nhóm công ty mẹ - công ty con (gọi là công ty mẹ) có tổng tài sản là 1.945.532 tỷ đồng (tính riêng công ty mẹ khối DNNN, tổng tài sản là 1.905.246 tỷ đồng), tăng 7% so với thực hiện năm 2016. Trong đó, tài sản cố định chiếm 18% tổng tài sản. Hệ số tự tài trợ tài sản cố định (vốn chủ sở hữu/giá trị tài sản cố định) năm 2017 là 3,18 lần, cho thấy mức độ sử dụng vốn chủ sở hữu để đầu tư vào tài sản cố định phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh của DN khá cao.
Song, hệ số vòng quay tổng tài sản (doanh thu thuần/tổng tài sản) của các công ty mẹ năm 2017 là 0,38 lần (<1), cho thấy việc sử dụng tài sản của DN vào hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa thực sự hiệu quả. Theo số liệu báo cáo hợp nhất của các DNNN, đầu tư tài chính ngắn hạn là 302.613 tỷ đồng, tăng 14,5% so với thực hiện năm 2016. Trong đó, công ty mẹ là 251.131 tỷ đồng, tăng 13,3% so với thực hiện năm 2016.
Tuy nhiên, đầu tư tài chính dài hạn theo số liệu báo cáo hợp nhất của các DNNN giảm 5% so với thực hiện năm 2016 (134.451 tỷ đồng). Trong đó, công ty mẹ là 518.150 tỷ đồng (tương đương với thực hiện năm 2016) và chủ yếu thực hiện đầu tư vào các công ty con với giá trị là 450.661 tỷ đồng, chiếm 87% các khoản đầu tư tài chính dài hạn của công ty mẹ.
Bộ Tài chính nhận định, các chỉ tiêu về tình hình tài chính và kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2017 của các DNNN đều có xu hướng tăng so với năm 2016. Tuy nhiên, so với khu vực DN khác và so với các DN khác cùng ngành nghề kinh doanh, thì chưa tương xứng với nguồn lực vốn, tài sản đã giao cho các DNNN (trừ các DN hoạt động trong lĩnh vực độc quyền).
Hơn 14.000 tỷ nợ khó đòi...
Theo báo cáo, hợp nhất của các DNNN có tổng các khoản phải thu là 409.074 tỷ đồng, tăng 13% so với thực hiện năm 2016. Trong đó, nợ phải thu khó đòi là 14.114 tỷ đồng, tăng 4% so với thực hiện năm 2016, chiếm 3,8% tổng số nợ phải thu.
Trong đó, phải kể đến: Tập đoàn Dầu khí QGVN (6.956 tỷ đồng); Tập đoàn Cao su VN (1.557 tỷ đồng); Tập đoàn Viễn thông Quân đội (1.406 tỷ đồng); TCT Lương thực Miền Nam (655 tỷ đồng); Tập đoàn CN Than - Khoáng sản VN (458 tỷ đồng); TCT Hàng hải VN (437 tỷ đồng); Tập đoàn Điện lực VN (309 tỷ đồng); TCT Cà phê VN (303 tỷ đồng); Tập đoàn Hóa chất VN (298 tỷ đồng); TCT Sông Đà (283 tỷ đồng); TCT Xi măng VN (208 tỷ đồng)...
Trong khi theo báo cáo của công ty mẹ, tổng các khoản phải thu là 427.233 tỷ đồng, giảm 1% so với năm 2016. Trong đó, nợ phải thu khó đòi là 7.563 tỷ đồng, giảm 21% so với thực hiện năm 2016, chiếm 1,8% tổng số nợ phải thu. Cụ thể: Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí QG VN (2.399 tỷ đồng); Công ty mẹ - Tập đoàn Viễn thông Quân đội (946 tỷ đồng); Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất VN (695 tỷ đồng); Công ty mẹ - TCT Lương thực Miền Nam (661 tỷ đồng); Công ty mẹ - TCT Viễn thông Mobifone (510 tỷ đồng); Công ty mẹ - Tập đoàn Bưu chính viễn thông VN (417 tỷ đồng)…
Bên cạnh đó, một số công ty mẹ có tỷ lệ nợ phải thu/tổng tài sản ở mức cao (trên 50%) như: Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất VN (nợ phải thu 12.057,5 tỷ đồng, bằng 58%); Công ty mẹ - TCT Sông Đà (nợ phải thu 8.584,702 tỷ đồng, bằng 54%); Công ty mẹ - TCT Đông Bắc (nợ phải thu 6.182,272 tỷ đồng, bằng 70%); Công ty mẹ - TCT XD Trường Sơn (nợ phải thu 1.891,656 tỷ đồng, bằng 57%); Công ty mẹ - TCT XD Lũng Lô (nợ phải thu 1.300,290 tỷ đồng, bằng 60%); Công ty mẹ - TCT Thành An (nợ phải thu 1.239,528 tỷ đồng, bằng 56%).
Một số công ty mẹ có giá trị tuyệt đối của chỉ tiêu nợ phải thu khó đòi năm 2017 tăng cao so với năm 2016, như: Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất VN là 694,973 tỷ đồng (năm 2016 là 234,511 tỷ đồng); Công ty mẹ - Công ty TNHH MTV Đầu tư tài chính nhà nước TP. HCM là 109,205 tỷ đồng (năm 2016 là 37,284 tỷ đồng); Công ty mẹ - Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn là 91,257 tỷ đồng (năm 2016 là 38,691 tỷ đồng); Công ty mẹ - TCT CN Xi măng VN là 65,243 tỷ đồng (năm 2016 là 6,301 tỷ đồng; Công ty mẹ - TCT Truyền hình cáp VN là 40,663 tỷ đồng (năm 2016 là 23,707 tỷ đồng).
“Ôm” 1,5 triệu tỷ nợ phải trả
Theo báo cáo hợp nhất của các DNNN, tổng số nợ phải trả là 1.530.667 tỷ đồng, tăng 1,3% so với thực hiện năm 2016, chiếm 56,5% tổng nguồn vốn của các DNNN. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu bình quân năm 2017 là 1,25 lần.
Trong đó, có 20 DNNN có tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 3 lần, chẳng hạn: TCT XNK Tổng hợp Vạn Xuân (45,56 lần); Công ty TNHH MTV Duyên Hải (23,69 lần); TCT Đầu tư và Phát triển Đường cao tốc VN (8,07 lần); TCT Thái Sơn (9,2 lần); TCT 319 (8,12 lần); Công ty TNHH MTV Ứng dụng kỹ thuật và sản xuất (8,12 lần); TCT Xăng dầu Quân đội (7,88 lần); TCT Thành An (7,34 lần)... Đối với công ty mẹ là 20 đơn vị: Công ty mẹ - TCT XNK tổng hợp Vạn Xuân (32,25 lần); Công ty mẹ - Công ty TNHH MTV Duyên Hải (23,82 lần); Công ty mẹ - TCT Thái Sơn (9,45 lần); Công ty mẹ - Công ty TNHH MTV Ứng dụng kỹ thuật và sản xuất (8,98 lần); Công ty mẹ - TCT Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (8,1 lần)...
Theo Bộ Tài chính, nợ vay từ các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng trong nước (NHTM & TCTD) của các DNNN là 486.046 tỷ đồng, tăng 4,3% so với thực hiện năm 2016. Cụ thể: Nợ vay ngắn hạn từ các NHTM & TCTD là 200.632 tỷ đồng; nợ vay dài hạn từ các NHTM & TCTD là 285.414 tỷ đồng.
Một số DNNN có số nợ vay từ các NHTM & TCTD tương đối lớn: Tập đoàn Dầu khí QGVN (146.585 tỷ đồng); Tập đoàn Điện lực VN (132.071 tỷ đồng); Tập đoàn CN Than - Khoáng sản VN (48.648 tỷ đồng); Tập đoàn Viễn thông Quân đội (43.485 tỷ đồng); Tập đoàn Hóa chất VN (28.417 tỷ đồng); TCT CN Xi măng VN (12.843 tỷ đồng); Tập đoàn CN Cao su VN (10.307 tỷ đồng)...
Cũng theo báo cáo hợp nhất, vay và nợ thuê tài chính nước ngoài của các DNNN là 357.846 tỷ đồng. Trong đó, vay lại vốn ODA của chính phủ là 165.974 tỷ đồng; vay nước ngoài được chính phủ bảo lãnh là 120.526 tỷ đồng; vay nước ngoài theo hình thức tự vay, tự trả là 18.013 tỷ đồng; còn lại là các hình thức huy động khác.
Đối với báo cáo của các công ty mẹ, vay và nợ thuê tài chính nước ngoài là 258.101 tỷ đồng. Trong đó, một số công ty mẹ có số vay và nợ thuê tài chính nước ngoài lớn, như: Công ty mẹ - Tập đoàn Điện lực VN (211.178 tỷ đồng); Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí quốc gia VN (19.401 tỷ đồng); Công ty mẹ - Tập đoàn CN Than - KS VN (17.378 tỷ đồng); Công ty mẹ - TCT Sông Đà (3.662 tỷ đồng); Công ty mẹ - TCT Giấy VN (2.235 tỷ đồng)...
“Hiệu quả sản xuất kinh doanh và đóng góp của một số DNNN còn hạn chế, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư; một số dự án của DNNN còn thua lỗ, thất thoát vốn lớn. Việc thực hiện cơ chế xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra sai phạm cũng như việc xử lý các hành vi vi phạm về giám sát, đánh giá chưa đầy đủ, nghiêm túc”, Bộ Tài Chính đánh giá.
Bùi Quyền