Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước có hơn 2.100 doanh nghiệp chế biến nông sản quy mô vừa và lớn, thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hơn 1.600 doanh nghiệp đã phải ngừng hoạt động để thực hiện giãn cách xã hội, số còn lại chỉ là sản xuất cầm chừng để giữ các đơn hàng xuất khẩu.

Hiện nay, dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, các doanh nghiệp đã bắt đầu khôi phục lại sản xuất từ việc thu mua nguyên liệu; huy động nhân công đến xây dựng kế hoạch sản xuất cho các tháng cuối năm để thực hiện các đơn hàng xuất khẩu và bảo đảm nhu cầu tiêu dùng cho thị trường nội địa.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ.

Những tháng cuối năm 2021, đặt mục tiêu khôi phục, phát triển các hoạt động sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông lâm thủy sản gắn với bảo đảm an toàn và phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, ngành Nông nghiệp tập trung triển khai các giải pháp hỗ trợ; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cũng như những điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh nông sản đặc biệt đối với khu vực doanh nghiệp.

Khẳng định nhiệm vụ trọng tâm của ngành Nông nghiệp trong thời gian tới là hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong phục hồi kinh tế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, từ nay đến cuối năm, Bộ sẽ tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng kinh tế tuần hoàn và thích ứng với biến đổi khí hậu, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát triển mạnh thị trường, tháo gỡ các rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản; đồng thời xây dựng các giải pháp khắc phục các chuỗi ngành hàng, đặc biệt các ngành hàng xuất khẩu; bảo đảm đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2021 khoảng 44 tỷ USD; tổ chức các diễn đàn kết nối tiêu thụ các loại nông sản...

Hà Trần