Theo các chuyên gia, việc chậm trễ trong đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, chỉ chú trọng đăng ký thương hiệu tại thị trường trong nước, chưa đăng ký tại thị trường nước ngoài, đang khiến cho nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam rơi vào tình trạng phải lùi về sân nhà khi chưa kịp bước ra khai thác thị trường thế giới.
Ðiều này cũng đồng nghĩa với việc, các DN sẽ bị mất thương hiệu, nhãn hiệu vào tay thương gia nước ngoài tại thị trường quốc tế. Tuy nhiên, do khả năng tự vệ của các DN Việt Nam trong việc khiếu kiện để giành quyền sở hữu còn hạn chế, cho nên dù mất nhiều thời gian, chi phí, nhưng nhiều trường hợp bị tranh chấp thương hiệu đến nay chưa đòi lại được. Ðiều này gây thiệt hại lớn cho các DN trong nước cũng như nền kinh tế, nhất là khi chúng ta hội nhập ngày càng sâu rộng vào thị trường quốc tế, thông qua các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.
Nhiều vụ việc “kinh điển” vẫn thường được các luật sư, DN đề cập tới như những bài học về hậu quả của việc chưa nhận thức đầy đủ và lơ là trong đăng ký nhãn hiệu, bị chiếm đoạt thương hiệu tại một số thị trường nước ngoài, gây tổn thất lớn trong việc mở rộng thị trường.
Ðiển hình như cà-phê Trung Nguyên, mít sấy Vinamit, giày dép Bitis,… cho đến những chỉ dẫn địa lý nổi tiếng như nước mắm Phú Quốc, nước mắm nhĩ Phan Thiết, kẹo dừa Bến Tre, xoài cát Hòa Lộc, bưởi Năm Roi,... đều từng bị các công ty nước ngoài đăng ký nhãn hiệu và việc đòi lại là rất gian nan. Ðơn cử như trường hợp của Vinamit, một công ty sản xuất trái cây sấy khô đã phải mất gần 5 năm theo kiện cùng mức chi phí hàng trăm nghìn USD kèm theo, mới có thể đòi lại được quyền sở hữu thương hiệu.
Rõ ràng, những câu chuyện liên quan đến vấn đề bảo vệ thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ của các DN nêu trên không phải là mới, hậu quả nhãn tiền, nhưng rất nhiều DN đến nay vẫn rất thờ ơ, thiếu coi trọng việc đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu cũng như tự bảo vệ thương hiệu của mình.
Thực tế, nhiều DN chưa quan tâm thỏa đáng việc bảo hộ kiểu dáng, nhãn hiệu hàng hóa sản phẩm thương hiệu, cũng như chưa nhận thức đúng và đầy đủ về tài sản “vô hình” của mình. Để bảo đảm quyền lợi, các DN cần chú trọng bảo hộ các tài sản trí tuệ, nhãn hiệu trên phạm vi lãnh thổ của tất cả các quốc gia được coi là thị trường tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ của mình. Ðồng thời, cần liên hệ với các đơn vị đăng ký bảo hộ nhãn hiệu uy tín để được tư vấn và thực hiện việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu khi cần thiết.
Các ngành chức năng cần tích cực vào cuộc, hướng dẫn chi tiết hơn để DN hiểu được ý nghĩa sống còn của thương hiệu, từ đó đưa ra định hướng đúng trong phát triển thương hiệu một cách bài bản, tránh gặp phải những tranh chấp không đáng có sau này khi lưu thông hàng hóa trên thị trường quốc tế.
Yên Châu