Doanh nghiệp tư nhân là động lực nhưng cần ‘làm mới’
Năm 2025 là một dấu mốc quan trọng khi Việt Nam bước vào giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ về kinh tế. Chính phủ đã thông qua nhiều chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy khu vực tư nhân, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết: Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã đánh giá Khu vực kinh tế tư nhân đang trở thành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Chính phủ đã triển khai nhiều công việc như: Cơ bản hoàn thành việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai cùng nhiều cơ chế tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
GS.TSKH Nguyễn Mại cho rằng: Doanh nghiệp cần có quan điểm, nhận thức về việc chuyển sang kinh tế số, doanh nghiệp số, sản xuất và kinh doanh xanh là giải pháp quan trọng trong bối cảnh mới. Bởi vì nếu không thay đổi mô hình tăng trưởng của mình thì không bảo đảm tạo ra lợi thế khai thác tiềm năng theo xu hướng mới lấy khoa học và công nghệ, nhân lực tạo ra năng suất và chất lượng cao.
Dưới góc độ quản lý, bà Phạm Thị Thùy Linh, Trưởng ban Phát triển thị trường chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) phân tích: Ssự phát triển của doanh nghiệp tư nhân cũng đi đôi với việc nâng cao chất lượng thị trường tài chính, trong đó có việc cải cách các chính sách để giúp doanh nghiệp (DN) dễ dàng huy động vốn qua thị trường chứng khoán.
Sự gia tăng đều đặn về số lượng tài khoản của nhà đầu tư mới tham gia thị trường là dấu hiệu tích cực cho thấy thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục duy trì sức hấp dẫn và cũng cho thấy những cơ hội cho thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2025.
Cơ hội phát triển thị trường tài chính
Theo bà Phạm Thị Thùy Linh thì, triển vọng nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên nhóm thị trường mới nổi sẽ giúp thu hút dòng vốn từ các quỹ đầu tư nước ngoài. Việc này không chỉ tạo điều kiện cho các DN niêm yết huy động vốn mà còn giúp tăng cường sự minh bạch của thị trường tài chính.

Vị đại diện UBCKNN chia sẻ, Ủy ban này đang làm rõ các quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các ngành nghề kinh doanh và đề nghị tất cả các DN là công ty đại chúng phải thực hiện công bố tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa, công bố thông tin bằng song ngữ để nhà đầu tư trong và ngoài nước có đầy đủ thông tin về DN, chủ động trong hoạt động đầu tư; tiếp tục cải cách, giảm thiểu thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, UBCKNN sẽ phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhằm đơn giản hóa thủ tục hồ sơ, quy trình mở tài khoản đầu tư gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. UBCKNN cũng tiếp tục nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới trên thị trường chứng khoán Việt Nam nhằm gia tăng các lựa chọn và cơ hội đầu tư cho nhà đầu tư...
"Chúng tôi sẽ chú trọng công tác cơ cấu lại cơ sở nhà đầu tư, trong đó tập trung vào phát triển các định chế quỹ, từng bước tăng quy mô, tiềm lực tài chính cho các công ty quản lý quỹ nhằm khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư tổ chức vào thị trường chứng khoán Việt Nam; đào tạo nhà đầu tư để tiếp tục nâng cao nhận thức về đầu tư an toàn, khuyến khích các nhà đầu tư hướng đến đầu tư dài hạn; hỗ trợ quản trị công ty minh bạch, công bố thông tin đầy đủ nhằm góp phần phát triển thị trường ổn định, bền vững; hỗ trợ công ty niêm yết, công ty chứng khoán phòng tránh rủi ro...", đại diện UBCKNN cho hay.
Tiến sỹ Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích CTCP Chứng khoán VPS cho biết, số lượng nhà đầu tư mới liên tục tăng, tạo động lực lớn cho thị trường. Ông Khánh đưa ra dự báo: VN-Index có thể đạt mốc 1.400 điểm trong năm 2025 nếu dòng vốn nội và ngoại tiếp tục duy trì sự ổn định.
Tiến sỹ Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia cảnh báo: Mặc dù thị trường chứng khoán có triển vọng tích cực, nhà đầu tư vẫn cần cẩn trọng trước những rủi ro như biến động lãi suất, chính sách điều hành tiền tệ của các nước lớn và xu hướng siết chặt tín dụng trong nước. Tiến sỹ Cấn Văn Lực khuyến nghị nhà đầu tư nên đa dạng hóa danh mục đầu tư, hạn chế tâm lý đám đông và theo dõi sát các chỉ số kinh tế vĩ mô để đưa ra quyết định chính xác.

Cần tận dụng tốt các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lãi suất…; tiết giảm chi phí, tinh giản quy trình, bộ máy; nắm bắt các xu hướng lớn: chuyển đổi kép xanh hóa và số hóa; xây dựng và nhất quán thực hiện chiến lược chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và ESG; đa dạng hóa: thị trường, đối tác, chuỗi cung ứng, sản phẩm – dịch vụ, nguồn vốn khả thi cho chuyển đổi xanh, kinh doanh tuần hoàn, tham gia thị trường tín chỉ carbon; nâng cao năng lực cạnh tranh (nhân lực, công nghệ, quản trị), gồm cả quản lý rủi ro, nhất là rủi ro tài chính, tỷ giá, pháp lý; xuất xứ hàng hóa, yêu cầu xanh hóa, phòng vệ thương mại….
"Chúng ta cũng cần tận dụng cơ hội từ các FTA thế hệ mới và từ việc nâng cấp quan hệ Việt Nam với Mỹ, Nhật Bản, Úc, Malaysia, Singapore… Nhà đầu tư cần biết rõ khẩu vị rủi ro của mình, đa dạng hóa, hạn chế tâm lý đám đông, tăng hiểu biết (về vĩ mô, tình hình bên ngoài và nội tại…), dùng dịch vụ trung gian có chuyên môn", Tiến sỹ Cấn Văn Lực nhấn mạnh.
Tận dụng, thích nghi nhanh với xu hướng chuyển đổi số
Ông Đoàn Hữu Hậu, Giám đốc Dịch vụ Chuyển đổi số và Ứng dụng AI tại FPT Digital nhấn mạnh: Chuyển đổi số không còn là lựa chọn mà là điều kiện bắt buộc để DN tồn tại và phát triển. Ông cho biết sau đại dịch COVID-19, hành vi tiêu dùng đã thay đổi đáng kể, buộc các DN phải thích nghi nhanh hơn với công nghệ.

Tiến sỹ Nguyễn Sơn, chuyên gia kinh tế nhận định: Sự phát triển của công nghệ blockchain, AI và dữ liệu lớn đang tạo ra cơ hội lớn cho thị trường tài chính và các ngành kinh tế khác. Tiến sỹ Nguyễn Sơn khuyến nghị DN nên đầu tư vào công nghệ để tối ưu hóa chi phí, nâng cao năng suất và gia tăng lợi thế cạnh tranh.
Ông Phạm Xuân Dũng, Giám đốc Khoa học Dữ liệu, Phân tích nâng cao và sáng tạo tại CTCP Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) cho rằng,Việt Nam cần xây dựng khung pháp lý rõ ràng hơn cho các mô hình kinh doanh dựa trên blockchain và tài chính số. Đại diện TCBS nhận định, nếu được triển khai bài bản, đây sẽ là lĩnh vực mang lại tiềm năng tăng trưởng lớn trong tương lai.
Tuy nhiên, ông Lý Anh Tuấn, CEO Investing Pro khuyến nghị: DN cần đào tạo nhân lực phù hợp và có chiến lược dài hạn để tận dụng tối đa tiềm năng của chuyển đổi số.
"Quá trình chuyển đổi số không chỉ là đầu tư vào công nghệ mà còn đòi hỏi sự thay đổi về tư duy quản lý và cách tiếp cận thị trường", ông Lý Anh Tuấn nhấn mạnh.
Các chuyên gia cho rằng, mặc dù nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội từ chuyển đổi số, phát triển thị trường tài chính và sự trỗi dậy của khu vực tư nhân, vẫn còn nhiều thách thức cần phải giải quyết. Nhà đầu tư và DN cần có chiến lược rõ ràng, tận dụng tốt các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, đồng thời thích nghi nhanh với sự thay đổi của thị trường. Những ai sẵn sàng đổi mới và ứng dụng công nghệ sẽ là những người dẫn đầu trong kỷ nguyên kinh tế mới.
PV/chinhphu.vn