Từ đầu năm 2023 đến nay, sản xuất, tiêu thụ xi măng vẫn tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn. Tình hình tiêu thụ nội địa chậm, nhiều doanh nghiệp xi măng đã chọn xuất khẩu là giải pháp tình thế để giải quyết nguồn xi măng dư thừa.

Thế nhưng, thị trường xuất khẩu xi măng của Việt Nam cũng không khả quan. Nhiều doanh nghiệp xi măng liên tục rơi vào tình trạng lỗ suốt nhiều quý.

Ngành xi măng liên tục thua lỗ

Cụ thể, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) công bố kết quả kinh doanh quý I với tổng sản phẩm tiêu thụ clinker (bao gồm xuất khẩu) đạt 20,76 triệu tấn, giảm 19,9% so với cùng kỳ.

Bức tranh ảm đạm trong hoạt động sản xuất và tiêu thụ vẫn “bám sát” các doanh nghiệp xi măng
Bức tranh ảm đạm trong hoạt động sản xuất và tiêu thụ vẫn “bám sát” các doanh nghiệp xi măng

Lãnh đạo VICEM cho biết, những quý đầu năm 2023 - là thời điểm tiêu thụ khó khăn nhất trong lịch sử hơn 120 năm của ngành xi măng Việt Nam. Sự trầm lắng trong hoạt động sản xuất và tiêu thụ vẫn bám sát các doanh nghiệp xi măng, giá đầu vào sản xuất xi măng tiếp tục tăng lên khi giá điện đã tăng thêm 3%, giá than vẫn duy trì ở mức cao, nên hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp không khỏi bị ảnh hưởng.

Theo báo cáo tài chính 2 quý vừa qua của các đơn vị thành viên trong hệ thống VICEM, liên tục ghi nhận những con số lỗ.

Điển hình như, Công ty cổ phần Xi măng Vicem Bỉm Sơn, lỗ hơn 5 tỷ đồng trong quý II, do doanh thu bán hàng giảm, chi phí tài chính tăng. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II, toàn bộ doanh thu của VICEM Bỉm Sơn đến từ xi măng và clinker với gần 893 tỷ đồng, giảm 21% so cùng kỳ.

Doanh thu hoạt động tài chính cũng giảm 49%, còn 7 triệu đồng. Mặc dù chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm lần lượt 26% và 36% so cùng kỳ, nhưng kết quả quý II doanh nghiệp này vẫn lỗ ròng hơn 5 tỷ đồng; trong khi cùng kỳ năm trước lãi hơn 59 tỷ đồng. Đáng chú ý đây là quý thứ 4 liên tiếp doanh nghiệp báo lỗ (kể từ quý III/2022).

Theo lý giải của Công ty VICEM Bỉm Sơn, mức giảm doanh thu bán hàng, thu nhập khác và mức tăng chi phí tài chính lớn hơn mức giảm giá vốn hàng bán, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí khác dẫn đến lợi nhuận sau thuế giảm.

Tương tự, Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hoàng Mai, báo cáo doanh thu quý II/2023, giảm gần một nửa so  cùng kỳ năm trước, xuống còn 358 tỷ đồng. Nguyên nhân là do sản lượng tiêu thụ giảm nên thời gian qua, doanh nghiệp đã giảm sản xuất để tránh tồn kho, giảm chất lượng.

Kết thúc quý II, VICEM Hoàng Mai ghi nhận 808 tỷ đồng doanh thu bán hàng và 622 triệu đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 22,8% và 94,6% so cùng kỳ năm trước.

Khó khăn chồng chất khó khăn

Theo số liệu ước tính mới nhất của Bộ Xây dựng, 6 tháng đầu năm, sản lượng sản xuất xi măng ước đạt 39 triệu tấn, giảm 7%; tiêu thụ đạt 43 triệu tấn, giảm 10% so cùng kỳ 2022, trong đó, tiêu thụ nội địa đạt 29 triệu tấn, giảm 8% so cùng kỳ.

Nguyên nhân tiêu thụ nội địa giảm do cầu giảm, thị trường bất động sản đóng băng, đầu tư công giảm nhẹ so cùng kỳ; trong khi công suất thiết kế tăng, hiện tổng công suất toàn ngành đạt 120 triệu tấn; ứng dụng khoa học - kỹ thuật, giúp năng suất tăng, công suất toàn ngành lên đến 130 triệu tấn/năm. Ước tính, cả năm nhu cầu tiêu thụ xi măng nội địa chỉ đạt 65 triệu tấn, so tổng công suất, lượng xi măng sản xuất ra dư thừa một nửa.

DN Xi măng đối mặt khó khăn kép do tiêu thụ ở thị trường nội địa và xuất khẩu chậm lại, cung vượt cầu, chi phí đầu vào tăng cao
DN xi măng đối mặt khó khăn kép do tiêu thụ ở thị trường nội địa và xuất khẩu chậm lại, cung vượt cầu, chi phí đầu vào tăng cao

Dự báo trong năm 2023, vẫn nhận thấy một số thách thức đối với ngành trong bối cảnh môi trường lãi suất vay cao và các vấn đề liên quan đến các doanh nghiệp phát triển bất động sản và thị trường trái phiếu. Ngoài ra, nhu cầu của các thị trường xuất khẩu chính và thế giới được dự báo sẽ không thay đổi trong năm 2023. Cùng với đó, mức thuế mới áp lên ngành xuất khẩu clinker cũng sẽ cản trở sự phục hồi của kênh xuất khẩu. Trước áp lực cung vượt cầu và giá đầu vào cao (than, điện), các nhà sản xuất trong nước bị giảm biên lợi nhuận và sụt giảm sản lượng tiêu thụ

Theo SSI Research, 3 tháng đầu năm 2023, mức tiêu thụ xi măng ở Việt Nam suy yếu ở cả kênh nội địa và xuất khẩu. Tại thị trường trong nước, mức tiêu thụ xi măng giảm 15% so cùng kỳ 2022, do nhu cầu giảm, nhất là trong bối cảnh ngành bất động sản suy yếu kể từ quý II/2022. Trong khi đó, kênh xuất khẩu giảm 26%, đặc biệt, lượng xuất khẩu xi măng sang Trung Quốc (chiếm 51% giá trị xuất khẩu xi măng trong quý I/2022) giảm 95%.

Ngành xi măng vẫn đang đối mặt với bài toán khó khi tiêu thụ ở thị trường nội địa và xuất khẩu chậm lại, cung vượt cầu, nhưng chi phí đầu vào tăng cao.

Tuy nhiên, với việc Chính phủ đang đốc thúc các dự án đầu tư công, cùng với các chính sách hỗ trợ được ban hành thời gian qua, đang giúp ngành bất động sản rục rịch trở lại, hứa hẹn giúp bức tranh của các doanh nghiệp xi măng đỡ xám xịt hơn.

Phương Anh