Năm 2021, do nhu cầu chuyển đổi số, số lượng doanh nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông (ICT) tăng trưởng mạnh mẽ. Việt Nam hiện có hơn 64.000 doanh nghiệp công nghệ số, tăng thêm 5.600 doanh nghiệp so với năm 2020 và có gần 1.000 sản phẩm, dịch vụ ICT thương hiệu Việt Nam.
Các chỉ số xếp hạng trong nhiều lĩnh vực thuộc ngành thông tin và truyền thông đều được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Cụ thể, theo báo cáo về Chỉ số tích hợp phát triển bưu chính năm 2021 do Liên minh Bưu chính thế giới (UPU) công bố: Việt Nam xếp thứ 47/172 quốc gia, tăng 2 bậc so với năm 2020. Trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng, Việt Nam đã có sự thăng tiến mạnh mẽ trong bảng xếp hạng quốc tế - GCI, từ vị trí thứ 50 năm 2020 lên vị trí thứ 25 trong năm 2021.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), trong năm 2021, doanh thu ngành TT&TT đạt 3.462.170 tỷ đồng, cơ bản hoàn thành kế hoạch đặt ra và tăng trưởng 9% so với năm 2020.
Trong năm 2021, dưới ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, quá trình chuyển đổi số đã được thúc đẩy mạnh mẽ. Công cuộc chuyển đổi số quốc gia được lan tỏa sâu rộng trên phạm vi toàn quốc, tạo thành xu hướng chuyển đổi số tất yếu tại các địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.
Theo kế hoạch, năm 2022, Bộ TT&TT sẽ tham mưu xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghiệp công nghệ số.
Xây dựng và bảo vệ được không gian tăng trưởng và phát triển kinh tế số dựa trên các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, sản xuất, cung cấp, ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ của ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Định hướng đến năm 2025, ngành công nghệ thông tin (CNTT), điện tử viễn thông với tầm nhìn và sứ mệnh mới là dịch chuyển từ gia công, lắp ráp sang Make in Viet Nam, làm sản phẩm tại Việt Nam, làm chủ công nghệ, sáng tạo công nghệ, trong đó tỷ trọng Make in Viet Nam vào năm 2025 đạt trên 45%.
Bộ TT&TT định hướng phát triển 04 loại hình doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam gồm: Doanh nghiệp phát triển công nghệ cốt lõi; Doanh nghiệp phát triển sản phẩm công nghệ số; Doanh nghiệp triển khai giải pháp công nghệ số; Doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo công nghệ số.; phấn đấu đạt số lượng 100.000 doanh nghiệp vào năm 2025; Hình thành ít nhất 10 doanh nghiệp công nghệ số đóng vai trò dẫn dắt, có năng lực cạnh tranh quốc tế, doanh thu trên 1 tỷ USD; cả nước có ít nhất 10 địa phương đạt doanh thu công nghiệp CNTT trên 1 tỷ USD; Hình thành từ 10 đến 12 khu CNTT tập trung và thành viên chuỗi Khu công viên phần mềm Quang Trung.
Q.N (t/h)